Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, tình hình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn Hà Nội đã giảm nhiều so với năm 2014, nhưng diễn biến vẫn còn nhiều phức tạp.
Bên cạnh đó, tốc độ phát triển đô thị hóa ngày càng cao cũng là một trong các nguyên nhân làm cho công tác quản lý vận hành an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn Thủ đô gặp khó khăn.
Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra và phát hiện 883 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, trong đó đã xử lý được 236 vụ vi phạm, còn tồn tại 647 vụ vi phạm chưa được giải quyết.
Cụ thể, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp tại các tuyến đường dây như Chèm-Bờ Hồ, Mai Động-Phương Liệt, Hà Đông-Thành Công, Mai Động-Yên Phụ...
Ngoài ra, Ban chỉ đạo thành phố cũng yêu cầu 16 Ban chỉ đạo cấp quận, huyện nơi có nhiều vi phạm về hành lang an toàn lưới điện cao áp cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và không để phát sinh những trường hợp vi phạm mới.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó trưởng Phòng Quản lý Điện năng (Sở Công Thương Hà Nội), công tác kiểm tra sau cấp phép thực hiện chưa thường xuyên. Đối với các vùng nông thôn chưa thực hiện việc cấp phép đối với các công trình xây dựng nhà ở của người dân, vì vậy dẫn đến tình trạng chủ đầu tư chỉ tiến hành các công việc trên mặt đất, dưới lòng đất ở gần hoặc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không có khả năng ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường của đường dây hoặc có nguy cơ gây sự cố, tai nạn về điện.
Vì vậy, đơn vị quản lý vận hành lưới điện cần phải yêu cầu chủ đầu tư ký văn bản thỏa thuận về các biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết cho người dân xung quanh và công trình trong quá trình xây dựng.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp đối với các công trình lưới điện cao áp ngầm từ trước đến nay chưa được quan tâm nên các chủ đầu tư thi công đào hè, đường giao thông gây vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp cáp ngầm rất nghiêm trọng.
Ông Lê Hồng Thăng cho biết, để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp, các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng địa phương để giám sát kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhanh chóng, quyết liệt, không né tránh nể nang; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân hiểu rõ về pháp luật, an toàn lưới điện để không xảy ra tình trạng thiệt hại về người và của./.