Hà Nội: Gần 7.000 bệnh nhân động kinh được quản lý, điều trị

Hiện nay, tại Hà Nội, đã có 6.978 bệnh nhân động kinh được quản lý điều trị, trong đó 5.931 bệnh nhân bệnh nhân động kinh được điều trị ổn định và chống tái phát.
Hà Nội: Gần 7.000 bệnh nhân động kinh được quản lý, điều trị ảnh 1Nhân viên y tế luyện tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Theo Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện tâm thần Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức đã triển khai có hiệu quả Chương trình Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em, góp phần tăng cường công tác quản lý bệnh động kinh, bệnh tâm thần phân liệt và củng cố, hoàn thiện mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng.

Trong năm 2015, Chương trình đã quản lý bệnh nhân động kinh tại 30 quận, huyện đạt 100% so với kế hoạch. Bệnh viện tâm thần Hà Nội phối hợp với các phòng khám tâm thần quận, huyện trực tiếp khám phát hiện bệnh nhân động kinh tại 34 trạm y tế xã, phường.

Hiện nay, đã có 6.978 bệnh nhân động kinh được quản lý điều trị, trong đó 5.931 bệnh nhân bệnh nhân động kinh được điều trị ổn định và chống tái phát, đạt tỷ lệ 85%. Số bệnh nhân động kinh mạn tính chiếm tỷ lệ 17%.

Bên cạnh đó, Chương trình tiếp tục duy trì quản lý bệnh tâm thần phân liệt tại 584 xã, phường với tổng số 8.185 bệnh nhân tâm thần phân liệt được quản lý điều trị. Các xã, phường tiếp tục triển khai các hoạt động khám bệnh, cấp phát thuốc hàng tháng tại các trạm y tế xã, phường, giao ban trạm về tình hình bệnh nhân...

Để nâng cao nhận thức về bệnh tâm thần cho nhân dân tại các xã, phường, Chương trình đã tổ chức tập huấn cho 1.893 đối tượng là trưởng, phó thôn, xóm, bí thư chi bộ các thôn xóm, các cụm dân cư, tổ dân phố, nhân viên y tế thôn bản, các đoàn thể trong thôn, xóm (hội viên hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên), ban giám hiệu trường học các cấp, các gia đình bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh... kiến thức về bệnh tâm thần để chủ động quản lý, chăm sóc người bệnh.

Ngoài ra, những người thực hiện chương trình còn in 41.000 tờ rơi, tờ gấp với 11 nội dung khác nhau về sức khỏe tâm thần để phát tới từng xã, phường; lắp đặt 54 pano về sức khỏe tâm thần tại 54 xã của huyện Thạch Thất và huyện Ba Vì.

Cùng với thực hiện các mục tiêu của chương trình, hằng năm, mạng lưới chuyên khoa tại 30 quận, huyện và 584 xã, phường được củng cố, cập nhật kiến thức mới nên hoạt động ngày càng hiệu quả. Hiện nay, các trung tâm y tế trên địa bàn đã có phòng khám tâm thần hoạt động riêng, tương đối ổn định, mỗi phòng khám có 1-3 y bác sỹ phụ trách, 1-5 điều dưỡng, có phân công y bác sỹ phụ trách phòng khám tâm thần đồng thời là thư ký chương trình của trung tâm y tế.

Mỗi trạm y tế xã, phường có một cán bộ chuyên trách công tác quản lý hồ sơ bệnh án, cấp phát thuốc hàng tháng cho bệnh nhân tâm thần của địa bàn. Do đó, bệnh nhân tâm thần được đảm bảo điều trị ngoại trú tại các địa phương sau khi ra viện, giảm tỷ lệ bệnh nhân tâm thần gây rối, gây hại tại địa phương, góp phần đảm bảo an ninh xã hội.

Đặc biệt, năm 2015, lần đầu tiên Bệnh viện tâm thần Hà Nội đã tổ chức trị liệu ngôn ngữ cá nhân cho trẻ được chẩn đoán tự kỷ, chậm nói, chậm phát triển tâm thần. Kết quả đã có 1/20 (5%) trẻ tiến triển tốt, nói được sau trị liệu ngôn ngữ; 7/20 (35%) trẻ tiến triển khá, phải tiếp tục trị liệu thêm một liệu trình; 5/20 (25%) trẻ tiến triển trung bình, phải tiếp tục trị liệu lâu dài; 7/20 (35%) trẻ không tiến bộ sau đợt trị liệu, tư vấn gia đình cho trẻ học trường chuyên biệt.

Trên cơ sở chẩn đoán xác định trẻ mắc chứng “tăng động, giảm chú ý” của phòng khám nhi, bệnh viện đã tổ chức lớp can thiệp cho trẻ tăng động vào sáng Chủ nhật hằng tuần với tổng số 164 lượt trẻ. Nội dung can thiệp gồm 22 bài tập chuyên biệt rèn luyện các kỹ năng (giao tiếp thân thiện, tập trung chú ý, kỹ năng kiên trì,...).

Quá trình can thiệp mỗi trẻ được theo dõi chặt chẽ từng tuần để đánh giá trước, sau bằng thang Vandebilt. Kết quả đã có 2/20 (10%) trẻ tiến triển tốt, không còn các biểu hiện tăng động; 17/20 (85%) trẻ tiến triển ở mức khá, còn một số biểu hiện giảm chú ý, tăng động, phải tiếp tục can thiệp nhóm; 1/20 (5%) trẻ tiến triển chậm, thuyên giảm không đáng kể các biểu hiện tăng động, giảm chú ý. Những trẻ này được tiếp tục sử dụng thuốc đặc trị cho chứng tăng động giảm chú ý.

Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em tại bệnh viện và cộng đồng, tháng 12/2015, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội đã thành lập khoa Nhi với nhiệm vụ thực hiện các hoạt động khám, can thiệp tư vấn cho trẻ em dưới 15 tuổi có vấn đề về tâm lý, tâm thần.

Bệnh viện cũng tiến hành các liệu pháp can thiệp bằng thuốc, liệu pháp tâm lý như nhận thức hành vi, kích hoạt hành vi, hướng dẫn các kỹ năng xã hội, biện pháp trò chơi... ở đối tượng trẻ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, chậm nói, rối loạn phát triển tâm lý-tâm thần ở trẻ em, qua đó phối hợp với các bậc cha mẹ trong công cuộc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục