Hà Nội: Gần 2.000 tỷ đồng giá trị gia tăng từ dự án nuôi bò BBB

Dự án chăn nuôi bò BBB sau 3 năm triển khai tại Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 10.000 hộ nông dân, mang lại hiệu quả trên 400 tỷ đồng, trong đó, giá trị gia tăng đạt gần 200 tỷ đồng.
Hà Nội: Gần 2.000 tỷ đồng giá trị gia tăng từ dự án nuôi bò BBB ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vũ Sinh/TTXVN)

Dự án chăn nuôi bò BBB (Blanc Blue Belge) sau 3 năm triển khai tại Hà Nội đã mang lại hiệu quả trên 400 tỷ đồng, trong đó, giá trị gia tăng đạt gần 200 tỷ đồng.

Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, Trung tâm đang phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Giống gia súc Hà Nội xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi bò thịt F1 BBB; trong đó tập trung tiêu thụ sản phẩm cho các hộ chăn nuôi phục vụ giết mổ công nghiệp.

Sau 3 năm triển khai, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã giải quyết việc làm và góp phần cải thiện đời sống cho hơn 10.000 hộ nông dân Thủ đô.

Trên cơ sở thành công của dự án, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo triển khai xây dựng thương hiệu bò thịt Hà Nội.

Hiện nay, dự án đã đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hàng hóa, nhận diện sản phẩm, mã số, mã vạch đối với sản phẩm bò giống và thịt bò F1 BBB của Hà Nội. Đây là một tín hiệu tốt cho việc nhân rộng mô hình trên địa bàn thành phố.

Dự án nuôi bò BBB đã được triển khai tại 8 huyện, gồm Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Phú Xuyên, Đan Phượng, Phúc Thọ, Chương Mỹ và Thạch Thất. Đây là giống bò thịt đặc biệt, có cơ bắp phát triển trội được lai tạo ra từ nhiều giống bò địa phương của Bỉ.

Anh Trần Văn Dương - người tham gia dự án nuôi bò BBB, thôn Thái Bạt, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì cho biết, chăm sóc bò BBB khá đơn giản vì bò dễ nuôi, có thể ăn lá ngô, rơm. Hơn nữa, đầu ra của bò cũng khá thuận lợi vì thương lái tìm đến tận nhà mua.

Với một con bò cái nền để lai giống, trong 3 năm qua, gia đình anh đã thu được 3 con bê F1 BBB, giá bán từ 16-18 triệu đồng/con.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, đến nay Hà Nội đã phát triển được 19 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm với 27.421 con/14.626 hộ, chiếm 21% tổng đàn bò thịt toàn thành phố.

Năm 2015, Hà Nội đã có khoảng 49.900 con bê sinh ra do thụ tinh nhân tạo, tăng 34% so với năm 2014 và đạt 61% đối với bò thịt.

Năm 2015, dự án lai tạo bò F1 BBB trên nền bò cái lai Sind trên địa bàn thành phố đã phối được 27.000 liều tinh giống và có 13.000 con bê sinh ra, nâng tổng số bê của dự án lên 22.100 con.

Kết quả theo dõi cho thấy, bê có trọng lượng từ 18-31kg/con, cao hơn khoảng 10kg so với giống bò thịt khác.

Đáng chú ý là do kết hợp được cả tốc độ phát triển nhanh, chất lượng thịt tốt của con bò bố BBB với sự thích nghi môi trường sống của con mẹ (bò cái nền lai Sind) nên bê F1 BBB tăng trọng đạt 26-30kg/tháng.

Chỉ sau 4 tháng nuôi, mỗi con bò BBB được thương lái trả giá gần 20 triệu đồng, cao hơn 8-10 triệu đồng so với bò vàng thông thường.

Như vậy, với số lượng bê con F1 BBB đã sinh ra đến thời điểm này, hiệu quả từ dự án đã đem lại đạt trên 400 tỷ đồng; trong đó giá trị gia tăng đạt gần 200 tỷ đồng.

Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội khẳng định nuôi bò thịt F1 BBB là hướng đi đúng trong chăn nuôi của Hà Nội. Thủ đô đang dẫn đầu cả nước về chăn nuôi bò thịt BBB nên cần phải tiếp tục phát huy thế mạnh để người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của Hà Nội vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của thành phố. Bên cạnh đó, năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa tạo được thương hiệu uy tín để cạnh tranh với thị trường.

Đáng chú ý, chất lượng giống vật nuôi đã được cải thiện nhưng chưa cao, các trang trại mới chỉ tập trung chăn nuôi thương phẩm, còn thiếu các trại chăn nuôi giống ông bà, bố mẹ thuần chủng và đàn giống hạt nhân do vậy không đủ giống thương phẩm có năng suất cao cung cấp cho người chăn nuôi. Nhiều vùng, trại chăn nuôi có lợi thế nhưng chưa được phát huy, đầu tư, khai thác có hiệu quả.

Để ngành chăn nuôi của Hà Nội phát triển ổn định, bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cần tăng cường nhân lực cho các trạm phát triển chăn nuôi trực thuộc Trung tâm cũng như sớm phê duyệt Dự án “Nâng cao chất lượng giống vật nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hoàng Thanh Vân cho biết, tình hình cạnh tranh về thị trường thịt bò được đánh giá là khá khốc liệt trong bối cảnh hội nhập. Do đó, Hà Nội cần đưa ngay mô hình nuôi bò thịt BBB vào chương trình của ngành nông nghiệp trong năm 2016 gắn với xây dựng chuỗi truy xuất nguồn gốc và thương hiệu sản phẩm, từng bước xây dựng Hà Nội thành trung tâm bò thịt của các tỉnh phía Bắc./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục