Hà Nội: Dừng phiên đấu giá đất nếu phát hiện hành vi thông đồng, dìm giá

Hà Nội yêu cầu truất quyền tham dự đấu giá của khách hàng nếu vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm; dừng phiên đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá, hoặc có các dấu hiệu bất thường khác.

Khách hàng đăng ký tham gia phiên đấu giá đất tại Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN phát)
Khách hàng đăng ký tham gia phiên đấu giá đất tại Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN phát)

Trước những dấu hiệu bất thường tại các phiên đấu giá gần đây ở các huyện ven đô, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

Thành phố Hà Nội yêu cầu hạn chế việc tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở; đồng thời, ưu tiên việc đấu giá quyền sử dụng đất cho tổ chức thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất, trình Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định; kịp thời cập nhật, phối hợp, hướng dẫn Ủy ban Nhân dân cấp huyện tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình xác định giá đất.

Đối với việc triển khai và tổ chức đấu giá, Hà Nội đề nghị phải công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin về các phiên đấu giá trên hệ thống thông tin của trung ương, thành phố và địa phương theo quy định.

Các quận, huyện, thị xã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất đúng trình tự, thủ tục; xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) đảm bảo tính cạnh tranh và sát giá thị trường.

Các địa phương phải thực hiện nghiêm việc cử đại diện tham dự, giám sát việc thực hiện phiên đấu giá; truất quyền tham dự cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm; dừng phiên đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá, gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá hoặc hành vi bất thường khác.

ttxvn dau_gia_dat_tai_huyen_hoai_duc_ha_noi_resize.jpeg
Phiên đấu giá đất tại Hoài Đức Hà Nội với giá trúng cao nhất hơn 133,3 triệu đồng/1m2, thấp nhất 91,3 triệu đồng/1m2. (Ảnh: TTXVN phát)

Đáng chú ý, Hà Nội đề nghị Công an thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất; hướng dẫn Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã có biện pháp ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định đấu giá không được tiếp tục tham gia đấu giá.

Thành phố cũng đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá đối với các trường hợp đã từng tham gia đấu giá, trả giá cao bất thường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định.

Cũng theo chỉ đạo của thành phố, Ủy ban Nhân dân cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định gây nhiễu loạn thị trường. Công bố danh sách công khai trên trang thông tin của huyện và báo cáo, cung cấp thông tin để công bố công khai trên trang thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Quyết định số 55/2024/QĐ-UBND về việc ban hành quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân thành phố về xác định giá đất cụ thể trên địa bàn thành phố.

Thành phố đã quy định các yếu tố chính ảnh hưởng đến giá đất, các tiêu chí hình thành yếu tố ảnh hưởng đến giá đất để phân tích, xác định mức tương đồng nhất định, điều chỉnh của từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất.

Cụ thể, các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, tiêu chí hình thành yếu tố ảnh hưởng đến giá đất để phân tích, xác định mức tương đồng nhất định, điều chỉnh của từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất giữa tài sản định giá và tài sản so sánh đối với đất phi nông nghiệp, bao gồm: vị trí, địa điểm của thửa đất, khu đất; điều kiện về giao thông; điều kiện cấp thoát nước, cấp điện; diện tích, kích thước, hình thể của thửa đất, khu đất; trường hợp ước tính; các yếu tố liên quan đến quy hoạch xây dựng; hiện trạng môi trường, an ninh; thời hạn sử dụng đất; các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất phù hợp với điều kiện thực tế, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương; đối với trường hợp ước tính giá chuyển nhượng đất, nhà ở riêng lẻ…

Các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất đối với đất nông nghiệp bao gồm năng suất cây trồng, vật nuôi, mức điều chỉnh chênh lệch không quá 20%; vị trí, đặc điểm thửa đất, khu đất khoảng cách gần nhất đến nơi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mức điều chỉnh chênh lệch không quá 20%; điều kiện giao thông phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm độ rộng, cấp đường, kết cấu mặt đường, điều kiện về địa hình, mức điều chỉnh chênh lệch không quá 20%; thời hạn sử dụng đất, trừ đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân theo hạn mức giao đất nông nghiệp, đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền thì không căn cứ vào thời hạn sử dụng đất, mức điều chỉnh chênh lệch không quá 20%.

Ngoài ra, các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất phù hợp với thực tế, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương: căn cứ tình hình thực tế, tổ chức tư vấn xác định giá đất đề xuất cụ thể trong báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất, mức điều chỉnh chênh lệch không quá 20%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục