Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa trình trình Ủy ban Nhân dân thành phố xin phê duyệt Đề án "Quản lý hoạt động vận tải khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2030". Theo đó, trong giai đoạn 2012-2015 sẽ tạm dừng thành lập mới doanh nghiệp taxi, số lượng taxi để xây dựng chính sách quản lý và chấn chỉnh hoạt động. Theo Sở Giao thông Vận tải, sự phát triển quá nhanh về số lượng xe taxi và phân bố không đồng đều trên địa bàn thành phố Hà Nội đã làm nảy sinh nhiều bất cập. Tình trạng ùn tắc giao thông trở nên phổ biến tại đa số các nút giao thông trong giờ cao điểm do các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ giao thông đã quá tải. Một số doanh nghiệp taxi yếu về năng lực quản lý, hoạt động đầu tư mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún. Do đó, khi phương tiện xuống cấp không được bảo dưỡng đầy đủ hoặc chậm thay thế, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và giảm hiệu quả kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp hoạt động vận tải khách bằng taxi tuy nhiều nhưng hầu hết đều có quy mô nhỏ. Cụ thể, số hãng có số xe dưới 50 xe chiếm 43% số doanh nghiệp, và chỉ sở hữu 8% số phương tiện trên địa bàn. Số hãng trên 50 xe và dưới 100 xe chiếm 18% số doanh nghiệp, sở hữu 10% số phương tiện trên địa bàn; trong khi đó doanh nghiệp có trên 100 xe chiếm 39% số doanh nghiệp, sở hữu hơn 82% số phương tiện trên địa bàn. Sở Giao thông Vận tải cũng tính đến việc phân vùng hoạt động taxi trên cơ sở lấy vành đai 3 của thành phố làm ranh giới chia làm 2 vùng bên trong vành đai 3 và bên ngoài vành đai. Việc này nhằm mục đích áp dụng các chính sách hạn chế phương tiện taxi phù họp với từng điều kiện của khu vực. Cụ thể, taxi hoạt động trong vành đai 3 phải nộp phí để góp vào quỹ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Taxi ở ngoài vành đai 3 sẽ không được vào trong đón khách. Các xe đăng ký mới sẽ phải tuân thủ quy định về màu sơn do thành phố ban hành, doanh nghiệp đang hoạt động phải xây dựng lộ trình chuyển đổi màu sơn. Sau năm 2015, toàn bộ taxi ở thành phố sẽ thống nhất màu sơn; xe ngoài vùng vành đai 3 sẽ có màu sơn thống nhất khác với trong khu vực vành đai 3, taxi hoạt động ở sân bay thống nhất màu sơn riêng. Ngoài ra, đồng hồ tính cước phải in ra hóa đơn trong đó thể hiện các nội dung như: Tên hãng, số điện thoại, mã số, mã vạch đồng hồ, số hiệu chuyến, thời gian di chuyển, số tiền, thuế VAT, phí cầu phà, tổng chi phí… Đề án cũng khuyến khích các hãng đầu tư phương tiện hỗ trợ người khuyết tật và phải có tối thiểu 30% phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch/hãng. Hiện, toàn thành phố có hơn 100 hãng taxi với khoảng 15.000 xe, trong đó không ít hãng nhỏ, đầu tư ít, chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: “Từ năm 2012 sẽ không cấp phép đăng ký kinh doanh taxi vì đã bão hòa.” Ông Hùng cho biết, đề án hạn chế taxi cũng đưa ra nhiều giải pháp khác nhau như việc taxi hoạt động từ vành đai 3 trở vào các quận trung tâm phải có những đóng góp nhất định cho việc xây dựng hạ tầng giao thông của thành phố. “Doanh nghiệp kinh doanh taxi cho dù muốn hay không cũng phải có nghĩa vụ đóng góp cho xã hội,” ông Hùng chia sẻ. Theo ông Hùng, hiện nay Nghị định 91 Chính phủ và Thông tư 14 của Bộ Giao thông Vận tải ban hành đã tạo điều kiện cấp phép rất dễ trong việc đăng ký kinh doanh. Chỉ cần có giấy tờ đầy đủ, sau đó có vài cái xe, lắp mấy cái bộ đàm có tần số thì buộc phải cấp đăng ký kinh doanh. Theo kế hoạch, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải sẽ thanh tra từ 15 đến 20 doanh nghiệp tại Hà Nội và 10 đến 15 doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh từ 5/12 nhằm đánh giá việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp và rà soát số lượng đưa hoạt động vào khuôn khổ. Theo ông Nguyễn Xuân Hào, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, qua đợt thanh tra taxi tại Hà Nội, dù taxi phát triển mạnh, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân nhưng có nhiều vi phạm và không phải vi phạm nào cũng dễ xử lý bởi có lỗi còn chưa có khung xử phạt. Tại Hà Nội, trong vòng nửa tháng, qua công tác thanh kiểm tra đã có 4 hãng taxi bị bị đình chỉ hoạt động vì quản lý lỏng lẻo, hoạt động không có bộ máy điều hành, tổ chức doanh nghiệp kinh doanh theo quy định./.
Một nghiên cứu của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cùng với Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải cho thấy diện tích đỗ xe cho taxi hiện đáp ứng từ 5-10% nhu cầu. Cơ sở vật chất phục vụ cho taxi giao ca của nhiều hãng cũng đặc biệt thiếu, đa số sử dụng lòng đường, vỉa hè. Hà Nội hiện có 58 điểm dừng đỗ taxi 15 phút, đáp ứng cùng lúc được khoảng hơn 200 xe (chiếm khoảng 1/8 lượng xe đang hoạt động). Các điểm đỗ này không có sự điều hành, quản lý nên taxi dừng, đỗ bừa bãi. Theo Trung tâm Nghiên cứu phát triển Giao thông Vận tải (TDSI), mật độ taxi ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn thấp hơn so với các Thành phố trên thế giới và trong khu vực như Hồng Kông, Bắc Kinh... Cụ thể, tại Hà Nội mới chỉ có 2,33 xe/1000 dân, 4,51 xe/km2 (TP.HCM lần lượt là 1,68 và 5,73). Trong khi đó, con số này ở Bangkok lên tới 12,8 xe/1000 dân và 57,37 xe/km2. Số xe của Bangkok cao hơn chúng ta đến gần 13 lần. Tuy nhiên, do phân bố không đồng đều đã khiến khu vực ngoại thành rất ít xe, còn nội thành thì lại quá nhiều, gây lộn xộn, ùn tắc. |
Việt Hùng (Vietnam+)