Hà Nội: Đua theo xăng, giá các loại vật liệu xây dựng tăng mạnh

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng với những biến động leo thang của giá nhiên liệu, xăng dầu trong thời gian qua đã kéo theo giá cả nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng tại Hà Nội tăng mạnh.
Hà Nội: Đua theo xăng, giá các loại vật liệu xây dựng tăng mạnh ảnh 1Trong thời gian tới, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng như gạch đá, ximăng... được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng, do ảnh hưởng từ giá nhiên liệu. (Ảnh: TTXVN)

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, tại một số các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, hiện nay giá các mặt hàng vật tư đều đang ở mức cao, tăng khoảng 10% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Cụ thể, cát san lấp có giá khoảng 150.000-200.000 đồng/m3, cát xây tô (dùng để trộn bêtông) có giá khoảng 400.000-450.000 đồng/m3; gạch ống có giá khoảng 1.300-1.400 đồng/viên; các loại đá xây dựng như đá đen, đá xanh có giá khoảng 310.000 đồng/m3; giá ximăng dao động trong khoảng từ 900.000 đồng-1 triệu đồng/tấn; giá sắt hộp, tôn cuộn tăng thêm khoảng 500 đồng/kg...

Theo anh Quang-chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên đường Trường Chinh (quận Đống Đa, Hà Nội), trước đây các cơ sở kinh doanh dịch vụ sẽ nhận luôn phần chi phí vận chuyển cho khách hàng. Tuy nhiên, giá nhiên liệu, xăng dầu tăng cao đã đẩy các chi phí vận chuyển, nhân công tăng theo. Vì vậy, một số cửa hàng phải yêu cầu người mua thanh toán riêng phần chi phí này với các đơn vị vận chuyển, nhà xe.

Bên cạnh các loại vật tư xây dựng, giá các mặt hàng trang trí nội thất nhà cửa cũng tăng theo: giá các loại gạch men tăng khoảng 50.000 đồng so với tháng trước, lên mức khoảng 250.000 đồng/m2; sàn gỗ công nghiệp tăng từ 300.000 đồng/m2 lên khoảng 350.000 đồng/m2; giá sơn nước tăng từ 1.300.000 đồng lên mức khoảng 1.500.000 đồng/thùng 18 lít...

Chị Giang-chủ cửa hàng kinh doanh nội thất địa chỉ 12 phố Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay giá các mặt hàng vật tư xây dựng trong tháng Tư được dự báo sẽ còn tăng khoảng 5-10%, do áp lực từ giá nhiên liệu đầu vào cộng với dịch bệnh diễn biến phức tạp, dẫn đến tình trạng thiếu nhân công. Nhiều cửa hàng kinh doanh đã cung cấp trước thông tin, để các nhà thầu và khách hàng chủ động trong các công trình, tránh làm ảnh hưởng đến các dự án xây dựng đang thi công./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục