Hà Nội đưa hàng Việt về nông thôn: Cơ hội quảng bá thương hiệu

Trong 10 năm qua, Hà Nội tổ chức 29 hội chợ hàng Việt, 244 phiên chợ Việt, 2.870 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, giúp người dân tiếp cận hàng hóa chất lượng và giá cả hợp lý.
Hà Nội đưa hàng Việt về nông thôn: Cơ hội quảng bá thương hiệu ảnh 1 Đông đảo người dân đến mua sắm tại các gian hàng. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Sau hơn 10 năm, Sở Công Thương Hà Nội cùng với các doanh nghiệp tổ chức các phiên chợ, hội chợ, các chuyến hàng lưu động... nhằm đưa hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng cao về nông thôn, giúp bà con không những được tiếp cận với sản phẩm này mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá rộng rãi và hiệu quả sản phẩm của mình.

Với 2.850 chuyến bán hàng lưu động, 21 chuyến bán hàng dịp Tết Nguyên đán, 29 hội chợ hàng Việt, 244 phiên chợ Việt, trong 10 năm qua, hầu hết các mặt hàng bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng với mẫu mã đa dạng, giá hợp lý, nên hàng Việt Nam ngày càng được khách hàng ưa chuộng.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, tại các phiên chợ và hội chợ Việt, doanh nghiệp bán lẻ đưa lượng hàng chiếm 10% tổng giá trị hàng hóa bán ra trong dịp Tết về phục vụ người dân.

Vì vậy mỗi dịp Tết đến, người dân khu vực ngoại thành, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Hà Nội lại chờ đón những phiên chợ Tết, những chuyến hàng lưu động do thành phố và các doanh nghiệp tổ chức. Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua, những gian hàng chợ Tết do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tổ chức tại xã Ðồng Tân, huyện Ứng Hòa đã thu hút rất đông người dân.

[Hàng Việt tiến tới chiếm 80% thị phần kênh phân phối ở nông thôn]

Bác Phạm Văn Dũng người dân thôn Phú Đa (xã Bình Phú) cho rằng, phiên chợ Việt giúp người dân được mua sắm hàng tốt và không phải đi xa. Trước đây muốn mua các mặt hàng này thường phải vào tận trung tâm thành phố mới mua được. Hy vọng, hàng năm, thành phố tiếp tục có những chương trình tương tự để phục vụ bà con.

Các phiên chợ, hội chợ đưa hàng về nông thôn còn là cơ hội để các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Anh Phạm Văn Muôn, chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem làng Ngự Câu (xã An Thượng, huyện Hoài Đức) với thâm niên nhiều năm mang hàng đi tham gia các phiên chợ, hội chợ, hào hứng chia sẻ, mục tiêu không phải là bán được bao nhiêu sản phẩm, mà quan trọng hơn là quảng bá, giới thiệu được sản phẩm của mình tới khách hàng và tìm kiếm được các cơ hội đưa hàng vào hệ thống của các nhà phân phối, bán lẻ.

Theo lãnh đạo Công ty Hapro, không chỉ phục vụ người dân ở nội thành, Hapro còn tổ chức mô hình "chợ Tết" tại huyện ngoại thành nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân ở ngoại thành được tốt hơn và thuận lợi hơn cũng như tạo sự phong phú và đa dạng trong hình thức kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều đáng nói là, tại các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, các mặt hàng được bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá kèm theo.

Hàng hóa tham gia chương trình tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn giá, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, giấy vở học sinh… Với mẫu mã đa dạng, giá hợp lý, hàng Việt đang ngày càng được khách hàng nông thôn ưa chuộng.

Ông Nguyễn Quang Chiến, Giám đốc Công ty Hải sản Phan Thiết cho biết, trước khi tham gia phiên chợ Việt, ông đã dành thời gian tìm hiểu tâm lý và thói quen mua sắm của người dân nơi đây để chọn những mặt hàng chủ lực bày bán với mục đích giúp người dân nông thôn tiếp cận được hàng hóa chất lượng và giá cả hợp lý. Đặc biệt hoạt động này còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá đặc sản của tỉnh Phan Thiết như nước mắm, hải sản.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông (đường Nguyễn Trãi, quận Hà Ðông) chia sẻ, tham gia các chuyến bán hàng lưu động hay phiên chợ Tết, đưa hàng Tết về nông thôn, doanh nghiệp gần như không đặt vấn đề lợi nhuận.

Nhiều mặt hàng doanh nghiệp chỉ bán bằng giá vốn, còn kèm tặng đồ khuyến mại. Tuy nhiên, Co.opmart vẫn tích cực tham gia để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con, cũng mong được đưa những sản phẩm có chất lượng và giá cả phải chăng về các khu vực xa trung tâm. Ðây cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể quảng bá thương hiệu rộng rãi hơn.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn có ý nghĩa lớn và mang lại hiệu quả thiết thực. Chương trình có sự ủng hộ nhiệt tình của các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, nhằm tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng hiệu quả của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cùng với những giải pháp thiết thực của các sở, ngành trong việc phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối, tăng số chuyến bán hàng, doanh nghiệp rất cần được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để phát triển điểm bán cố định tại địa phương.

Bên cạnh đó, không thể thiếu sự liên kết hiệu quả giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, giúp các doanh nghiệp giới thiệu, khai thác nguồn hàng đa dạng, với chất lượng và giá cả hợp lý từ các địa phương để đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục