Hà Nội: Đưa công nghệ hiện đại "giải cứu" sông Tô Lịch

Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá được Hà Nội xác định là công trình trọng điểm, vô cùng quan trọng khi xử lý nước thải sinh hoạt của dân góp phần làm sạch môi trường, sạch sông Tô Lịch.
Một khúc sông Tô Lịch trong ngày khởi công. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)
Một khúc sông Tô Lịch trong ngày khởi công. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)

Sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Sét... nhiều năm qua luôn được coi là dòng sông "chết" với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm đó là do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp xả trực tiếp ra đây.

Để nhằm hồi sinh các dòng sông trên, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ thành phố Hà Nội thông qua nguồn vốn ODA để thực hiện “dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá” với mục tiêu hồi sinh các dòng sông ô nhiễm.

Đưa công nghệ hiện đại vào thi công

Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có quy mô xây dựng trên phạm vi khoảng 4.874ha, bao gồm Nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000m3/ngày-đêm và hệ thống cống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối dọc bờ sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần khu vực quận Hà Đông với tổng chiều dài cống các loại khoảng 52,621km, đường kính từ 315-2.200mm.

Dự án này được thành phố Hà Nội xác định là công trình trọng điểm, vô cùng quan trọng khi thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của người dân các quận Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và một phần huyện Thanh Trì, quận Hà Đông, góp phần làm sạch môi trường, sạch sông Tô Lịch.

Để triển khai dự án, thành phố Hà Nội đã chia làm bốn gói thầu, bao gồm xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì) công suất 270.000 m3/ngày đêm; xây dựng hệ thống cống bao sông Lừ; xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới và xây dựng hệ thống cống bao sông Tô Lịch và cống chính.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội, gói thầu “Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô lịch và cống chính” có vị trí quan trọng nhất trong bốn gói thầu của Hệ thống nước thải Yên Xá do Nhật Bản tài trợ.

Gói thầu “Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô lịch và cống chính” có chiều dài 21,66 km; trong đó, gần 13km đi ngầm, hơn 8km đào mở được chính thức thi công từ ngày 18/5, nhằm chào mừng 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gói thầu do nhà thầu Nhật Bản thực hiện.

Để thi công gói thầu này, công nghệ giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Thứ nhất về bùn sẽ được xử lý theo phương pháp bùn hoạt tính truyền thống loại AO (quá trình nitrat hóa và khử nitrat) đạt tiêu chuẩn quốc tế thường áp dụng cho các nhà máy xử lý nước thải lớn. Về phần xây lắp sẽ được thực hiện theo phương pháp khoan kích ngầm (pipe jacking). Đơn vị thi công sẽ xây dựng đường ống ngầm dưới lòng sông Tô Lịch có độ sâu từ 6m đến 19m.

“Phương pháp này sẽ đảm bảo vấn đề môi trường, tài sản nhà cửa, giao thông trên mặt đất, đảm bảo giữ được cảnh quan và quan trọng nhất là không phải giải phóng mặt bằng, tốn kém về nguồn lực, ông Nguyễn Văn Hùng phân tích.

Là gói thầu có 13km đi dưới lòng sông Tô Lịch - con sông gắn liền với văn hóa, lịch sử của kinh thành Thăng Long xưa nên đã thu hút được nhiều người dân quan tâm.

[UBND thành phố Hà Nội thông tin về việc “xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch”]

Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, sông Tô lịch đã hình thành cách đây hàng nghìn năm, chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử Thăng Long. Sông Tô Lịch cũng là sào huyệt để bảo vệ Hà Nội. Từ nhiều năm nay, đã có nhiều cơ quan đứng ra thực hiện cứu dòng sông này khỏi ô nhiễm. Nhưng ở dự án này, Việt Nam và Nhật Bản đã thực hiện rất bài bản, mang tính tổng hợp cao và rất thiết thực.

Dự án được nghiên cứu cặn kẽ từ khâu lập dự án, nghiên cứu rồi triển khai thi công đầy công phu và tâm huyết. Vì vậy vị giáo sư này tin tưởng dự án sẽ thành công không chỉ ở mặt công nghệ thi công mà còn ghi dấu ở góc độ tâm linh do sự thành kính với tổ tiên, cũng như thỏa lòng mong đợi của người dân bao đời nay về sự hồi sinh của sông Tô Lịch.

Quyết tâm không lùi thời gian hoàn thành dự án

Mục tiêu của dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá nhằm cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh tại các khu đô thị trung tâm của lưu vực sông Tô Lịch, tả ngạn sông Nhuệ và lưu vực sông Lừ bằng cách phát triển hệ thống thoát nước để thu gom và xử lý lượng nước thải do hoạt động của con người sinh ra nằm nâng cao khả năng phát triển bền vững của Thủ đô.

Hà Nội: Đưa công nghệ hiện đại "giải cứu" sông Tô Lịch ảnh 1Lễ khởi công gói thầu gói thầu ''Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính'' trong tổng thể dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Trước tầm quan trọng của dự án, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Hà Nội, cho biết: "Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô lịch và cống chính” sẽ là gói thầu quyết định đến thành công của cả dự án. Vì thế, đại diện JICA tại Hà Nội đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố cần đặc biệt quan tâm đến an toàn thi công, thực hiện nghiêm các biện pháp, hướng dẫn của JICA về môi trường và xã hội khi thi công.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá, các gói thầu đều cơ bản đáp ứng tiến độ. Tuy nhiên, Chủ tịch thành phố yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ và về đích trước thời hạn, chứ không lùi thời hạn. Lý giải về việc này, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, nhiều năm qua người dân thành phố Hà Nội phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường từ nước thải, xả thẳng xuống sông Tô Lịch. Chính vì vậy, việc thi công nhanh Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố nói chung và sông Tô Lịch nói riêng.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận nước thải của bảy quận, huyện trên địa bàn và toàn bộ nước thải ở sông Tô Lịch sẽ được xử lý. Khi đó, con sông này sẽ hồi sinh, đây là mong mỏi, chờ đợi của rất nhiều người dân Thủ đô trong thời gian qua.

Để đạt được mục tiêu trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội cần chỉ đạo, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị thi công, nhà thầu nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công nhà máy.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhìn nhận, “nếu thay đổi biện pháp thi công chắc chắn dự án sẽ hoàn thành được trong năm 2021. Tiến độ thi công sớm ngày nào tốt cho thành phố ngày đấy. Nhà thầu cần bổ sung máy móc, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ dự án, nhất là phần thi công tuyến cống thu gom nước thải, đẩy nhanh việc thương thảo để triển khai ngay nhằm đảm bảo kế hoạch đưa dự án vào hoạt động sớm nhất”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục