Ngay trong chiều 31/1, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tổ chức Đoàn đi kiểm tra các trường học về công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.
"Khi nào có khuyến cáo của cơ quan y tế mới cho học sinh nghỉ học,” ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết như vậy tại Hội nghị trực tuyến quán triệt công tác phòng, chống dịch bệnh Corona do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức sáng 31/1.
Hội nghị trực tuyến có 31 điểm cầu, gồm điểm cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và 30 điểm cầu tại Hội trường Ủy ban Nhân dân 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, với sự tham dự của Ban Giám đốc Sở, đại diện Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, toàn bộ các phòng chức năng trực thuộc Sở, các Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng phòng, chuyên viên phụ trách các cấp học và chuyên viên phụ trách công tác y tế trường học.
Thông báo đến các điểm cầu về tình hình dịch bệnh nCoV, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết: Sở đã ban hành Công văn số 300/SGDĐT-CTTT ngày 30/1/2020 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV, gửi Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã; Hiệu trưởng các trường học trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Công văn nêu cụ thể các nhiệm vụ đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.
Tại hội nghị trực tuyến, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Kiều Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã cập nhật những thông tin mới nhất về dịch bệnh nCoV tại các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.
Bà Nguyễn Thị Kiều Anh đã phổ biến những nội dung khuyến cáo của ngành Y tế trong việc phòng chống dịch bệnh nCoV trong trường học, trong đó nhấn mạnh đến 7 biện pháp phòng bệnh tại trường học.
Cụ thể cán bộ y tế trường học biết các biện pháp phòng chống; tuyên truyền cho giáo viên biết về bệnh và biện pháp phòng chống; tổ chức truyền thông cho học sinh các biện pháp phòng bệnh; vệ sinh môi trường, khử khuẩn thường xuyên; học sinh và giáo viên có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp phải đeo khẩu trang, nếu có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc gần với người được xác định nhiễm/nghi ngờ nhiễm nCoV thì phải lập tức cách ly theo dõi ngay; khuyến khích giáo viên và học sinh đeo khẩu trang ở trường, lớp; phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương trong công tác phòng chống.
Chủ trì hội nghị, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo quan tâm và có nhận thức đúng, đầy đủ về dịch bệnh nCoV, từ đó quán triệt đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh về công tác phòng chống dịch.
[Khẩu trang y tế có giúp ngừa hiệu quả virus corona hay không?]
Ông Dũng cũng yêu cầu các Phòng triệu tập những người vắng mặt trong buổi họp trực tuyến để phổ biến lại, đảm bảo thông tin khuyến cáo của ngành y tế đến được với 100% các cơ sở giáo dục của các cấp học.
Ngay trong ngày 31/1 và 1/2, các trường học phải quán triệt đến cán bộ, giáo viên, nhân viên; học sinh và phụ huynh về nội dung phòng chống dịch bệnh của cơ quan y tế chính thống. Nhà trường tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đeo khẩu trang khi đến lớp.
Nếu gia đình nào gặp khó khăn thì nhà trường chủ động trang bị khẩu trang cho học sinh. Các trường cần lưu ý bố trí nguồn nước sạch, xà phòng rửa tay, khuyến khích học sinh dùng bình nước cá nhân, không uống chung.
Hằng ngày các trường, nhóm trẻ theo dõi sát diễn biến sức khỏe của giáo viên và học sinh, nắm sĩ số đầy đủ. Nếu bất kỳ ai có biểu hiện sốt, phải yêu cầu nghỉ, không tham gia các hoạt động, đồng thời phối hợp với gia đình theo dõi, đề nghị gia đình đưa đi khám để điều trị và kiểm soát.
Về công tác phun thuốc khử trùng tại các trường trong hai ngày 1 và 2/2, ông Chử Xuân Dũng yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các đơn vị y tế địa phương để thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Các trường học chủ động phân công, cử người phối hợp với cơ quan chuyện môn và phải có mặt Ban giám hiệu nhà trường.
Bên cạnh đó, các trường tiếp tục đảm bảo nguồn thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng bữa ăn bán trú; kiểm soát chặt chẽ cán bộ, giáo viên vừa đi tham quan từ vùng có dịch về, không được giấu dịch, phải cung cấp kịp thời thông tin người có dấu hiệu nghi ngờ cho cơ quan chức năng để có sự phối hợp xử lý kịp thời.
Đặc biệt, ông Chử Xuân Dũng yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục không chủ quan, xem nhẹ về dịch bệnh vì có thể còn kéo dài.
Hà Nội hiện có gần 3.000 trường học, gần 3.000 cơ sở giáo dục, nhóm trẻ tư thục với số lượng học sinh trên 2 triệu em, do đó cần nghiêm túc quán triệt và thực hiện các kế hoạch phòng chống dịch; trước mắt dừng các hoạt động tham quan, dã ngoại cho học sinh.
Báo cáo công tác phòng chống dịch, ông Hoàng Việt Cường, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, Phòng đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện và trong buổi họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện tổ chức tổng vệ sinh toàn bộ vào thứ Bảy (ngày 1/2) và Chủ nhật (2/2), Trung tâm Y tế huyện sẽ phun khử trùng tại 100% trường học.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm chỉ đạo các trường trên địa bàn tập trung tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh về nội dung phòng, chống dịch.
Tại điểm cầu quận Thanh Xuân, ông Phạm Gia Hữu - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, cho biết Phòng đã yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm túc theo khuyến cáo của cơ quan y tế; đồng thời cập nhật thông tin chính thống của cơ quan y tế để tuyên truyền tới phụ huynh và học sinh.
Sáng 31/1, tại nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đã đeo khẩu trang trong lớp học. Phòng yêu cầu các trường rà soát điều kiện nhà vệ sinh, đảm bảo đủ nước rửa tay, xà phòng.
“Sáng 1/2, quận sẽ tiến hành phun thuốc khử trùng tại các trường mầm non và tiểu học, ngày 2/2 sẽ phun tại các trường trung học cơ sở. Quận Thanh Xuân đã rà soát thống kê số lượng giáo viên và học sinh công lập, tư thục để trang bị khẩu trang miễn phí; thành lập tổ công tác tại các nhà trường có sự tham gia của đại diện Ban phụ huynh. Các trường tiếp tục rà soát các trường hợp giáo viên, nhân viên, học sinh đã đi nghỉ ở Trung Quốc trong thời gian vừa qua để theo dõi quá trình diễn biến sức khỏe,” ông Phạm Gia Hữu cho biết thêm.
Các huyện Sóc Sơn, Quốc Oai, Đan Phượng cũng báo cáo về tình hình phòng chống dịch bệnh nCoV trên địa bàn, đặc biệt là sự phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương. Các địa phương cho biết sẽ đồng loạt tổ chức tổng vệ sinh phòng dịch, phun thuốc khử trùng các trường học trong hai ngày 1 và 2/2.
Trước tình hình diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan cao của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), nhiều trường học tại Hà Nội đã khuyến cáo cán bộ, giáo viên, học sinh đeo khẩu trang trong giờ học nhằm phòng, chống dịch bệnh, hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Sáng 31/1, học sinh Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đều đeo khẩu trang khi đến trường và trong lớp học. Nhiều học sinh được bố mẹ trang bị vài chiếc khẩu trang, dung dịch cồn rửa tay khô trong cặp sách, ba lô để dùng cả ngày. Nhiều lớp học tại Trường Trung học Cơ sở Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang trong trường học.
Bên cạnh đó, các giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh uống nước ấm bằng bình nước cá nhân, rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi bắt đầu bữa ăn bán trú.
Một số trường học như Trường Phổ thông liên cấp Olympia, Trường Phổ thông Marie Curie, Trường Phổ thông Nguyễn Siêu, Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn… đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho giáo viên và học sinh như lùi thời gian học, khử trùng toàn trường bằng dung dịch CloramineB, khử trùng toàn bộ xe đưa đón học sinh, trang bị thêm bình nước rửa tay và nhiệt kế điện tử tại các cổng trường…/.