Hà Nội: Doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh trong tháng 7

Riêng tháng 7/2024, thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 3.007 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 24,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4%.

Sản xuất hàng may mặc tại Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Anh Tuấn/ TTXVN)
Sản xuất hàng may mặc tại Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Anh Tuấn/ TTXVN)

Trước dấu hiệu khởi sắc và tiếp tục tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội quay lại hoạt động cũng như thành lập mới đang có chiều hướng tăng lên.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ tính riêng tháng 7/2024, thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 3.007 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 24,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4%; 997 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 56%.

Tính chung 7 tháng năm 2024, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho gần 18 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 162,1 nghìn tỷ đồng, giảm 2% về số lượng doanh nghiệp và giảm 9% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 6,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 14%.

Những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,8%; công nghiệp khai khoáng giảm 3,3%.

Trong 7 tháng năm 2024, hầu hết ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 14,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 11%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 9,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 8,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7,8%.

Bên cạnh đó, 3 ngành sản xuất có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 5,1%; sản xuất xe có động cơ giảm 2,8%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 1,2%.

Mặc dù mảng công nghiệp hoạt động ổn định và lượng doanh nghiệp tăng nhưng tình hình lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp trong 7 tháng giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước giảm 3,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,6%; khu vực Nhà nước tăng 1,6%.

Chia theo ngành kinh tế, lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo giảm 1,8%; trong đó, sản xuất chế biến thực phẩm giảm 12,8%; sản xuất máy móc, thiết bị giảm 10,8%; dệt giảm 9,8%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 8,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,8%; ngành khai khoáng tăng 22,2%.

Song song với đẩy mạnh sản xuất, thành phố Hà Nội thúc đẩy xúc tiến thương mại, đổi mới, khơi thông thủ tục hành chính để thu hút mạnh đầu tư vào địa bàn. Vì vậy, lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực FDI khá ổn định.

Trong 7 tháng năm 2024, thành phố thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, đăng ký cấp mới 143 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 102 lượt tăng vốn đầu tư với 138 triệu USD; 118 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 77 triệu USD.

Mặc dù lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, nhưng cũng không ít doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không chuyển mình bắt kịp nhu cầu thị trường, cũng như chưa đưa ra được các phương án sản xuất tốt. Đây là những nguyên nhân chính khiến hàng loạt doanh nghiệp bị đào thải hoặc phá sản rời khỏi thị trường.

Theo một số chuyên gia ngành ngân hàng, ngay khi ngân hàng áp dụng lãi suất thấp nhưng có thời điểm vẫn ít doanh nghiệp vay sản xuất kinh doanh.

Riêng tháng 7 trên địa bàn Hà Nội có 2.015 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 43%; 447 doanh nghiệp giải thể, tăng 52%.

Tính chung cho 7 tháng, Hà Nội có 18,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 23%; có 2,5 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 18%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng của Apple ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Apple sẽ xây dựng nhà máy AirTag tại Indonesia

Apple đã chọn Batam - làm nơi xây dựng nhà máy sản xuất. Theo Bộ trưởng Đầu tư Indonesia, nhà máy Batam sẽ cung cấp 65% những gì Apple cần để đáp ứng nhu cầu toàn cầu của mình.