Hà Nội: Doanh nghiệp sốt ruột tuyển dụng, lao động thong thả ăn rằm

Mặc dù số lượng doanh nghiệp tham gia tuyển dụng khá đông, chỉ tiêu tuyển dụng cũng tăng mạnh nhưng rất ít lao động đến tìm việc vì còn chờ sau rằm tháng Giêng.
Khá ít lao động tham gia phiên giao dịch việc làm ngay sau Tết Nguyên đán. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Tại phiên giao dịch đầu Xuân do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức ngày 7/2, mặc dù số lượng doanh nghiệp tham gia tuyển dụng khá đông, chỉ tiêu tuyển dụng cũng tăng mạnh nhưng rất ít lao động đến tham gia phiên giao dịch. Trong khi nhiều doanh nghiệp muốn ổn định sản xuất, kinh doanh ngay sau Tết thì có vẻ như với người lao động, Tết vẫn chưa kết thúc.

“Khát” lao động

Mặc dù năm nay tình hình lao động "nhảy" việc sau Tết tại Hà Nội ít hơn nhưng đây là thời điểm khó tuyển dụng lao động. Tại phiên giao dịch đầu xuân, có tới 38 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với chỉ tiêu tuyển dụng gần 1.000 việc làm. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ tiêu tuyển dụng tăng mạnh, thế nhưng số lượng người lao động đến phiên giao dịch việc làm ngay sau Tết khá ít.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Năm nay, nguồn doanh nghiệp tuyển lao động lớn, chỉ tiêu tuyển dụng năm nay tăng 34,9% so với năm 2016. Tuy nhiên, lượng lao động đến không đông như mong muốn của các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp thì mong muốn tuyển nhưng người lao động lại chưa nhiệt tình đi tìm việc vào thời điểm này.”

Sự vắng vẻ tại các phiên giao dịch việc làm ngay sau Tết Nguyên đán là tình trạng mới xảy ra trong năm nay. Hiện, những người lao động có việc làm đã có ý thức tốt, quay trở lại sản xuất, ít "nhảy" việc hơn, nhưng với những người lao động chưa có việc làm, họ vẫn chưa mặn mà quay trở lại tìm việc mà phải ăn Tết hết rằm tháng Giêng.

“Người lao động Việt Nam vẫn có tâm lý sau Tết phải ăn rằm tháng Giêng, đi lễ đầu năm và thường qua rằm tháng Giêng mới đi tìm việc. Mặc dù cán bộ tư vấn đã mời gọi, trực tiếp liên hệ với khoảng 600 người lao động nhưng người lao động cũng thẳng thắn trả lời qua rằm mới quay trở lại tìm việc làm,” bà Vũ Thị Thanh Liễu chia sẻ.

Chính vì ít người lao động đi tìm việc vào thời điểm này, nên đây lại là thời điểm “vàng” để đi xin việc. Anh Kiều Văn Điền (quê Mê Linh, Hà Nội) cảm thấy khá tự tin khi phỏng vấn đáp ứng được đa số yêu cầu của công ty và cho biết, “ít người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm nên tôi cũng cảm thấy không áp lực và phải cạnh tranh khi đi xin việc.”

Phỏng vấn tuyển dụng trong phiên giao dịch việc làm đầu Xuân. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Nhiều cơ hội việc làm trong năm 2017

Đầu năm 2017, các doanh nghiệp bắt đâu tuyển nguồn lao động cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 nên thường là thời điểm có nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết: “Năm 2017 chủ yếu nhu cầu tuyển dụng tập trung vào ngành kinh doanh, sản xuất, thương mại, dịch vụ... Đặc biệt, năm nay nguồn lao động phổ thông lại thấp nhất, doanh nghiệp tuyển dụng lao động trình độ trung cấp công nhân kỹ thuật là nhiều nhất và tiếp đó là cao đẳng, đại học.”

Năm 2016 là năm lập kỷ lục có nhiều doanh nghiệp mới thành lập nhất từ trước tới nay. Đây cũng là tín hiệu vui, mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động., vì vậy, việc tăng cường kết nối cũng cầu lao động là hết sức cần thiết.

Ông Nguyễn Toàn Phòng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, vào đầu tháng Ba tới, Hà Nội sẽ sáp nhập hai trung tâm giao dịch việc làm để thống nhất tổ chức các phiên giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố. Như vậy, vào thứ ​Ba, thứ Năm hàng tuần sẽ có phiên giao dịch việc làm tại hai trung tâm và 8 điểm giao dịch vệ tinh tại các quận, huyện và người lao động sẽ có nhiều cơ hội tìm việc hơn.

Thị trường lao động càng sôi động thì thường kéo theo đó là các chiêu trò lừa đảo người lao động đi tìm việc. Các kênh giao dịch việc làm chính thức lại càng cần mở rộng để hỗ trợ người lao động.

“Trong năm 2017, chúng tôi sẽ tổ chức đa dạng các phiên giao dịch online, chuyên đề hỗ trợ người lao động tìm việc và tăng cường tuyền truyền để người dân hiểu hơn về định hướng thị trường lao động, giảm thiểu rủi ro bị lừa đảo,” ông Nguyễn Toàn Phong nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục