Hà Nội: Điều chỉnh linh hoạt thời điểm đến trường để phòng chống dịch

Hà Nội lưu ý việc cho học sinh trở lại trường học phải phù hợp với tình hình thực tiễn, làm từng bước thận trọng nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn về sức khỏe cho giáo viên và học sinh.
Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nếu tình hình dịch có chiều hướng xấu hơn, số ca mắc tăng lên, thành phố sẽ có điều chỉnh linh hoạt thời điểm đến trường của học sinh.

Đây là thông tin được lãnh đạo thành phố Hà Nội đưa ra tại hội nghị giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngày 3/11.

Đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh khi đi học trở lại

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết Hà Nội có nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 do số lượng người đến và về Hà Nội gia tăng. Cùng với đó, có tâm lý chủ quan của một số người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Chính vì vậy, ông đề nghị các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý người từ tỉnh, thành khác đến về địa phương. Tuyên truyền, vận động người dân cùng vào cuộc trong công tác giám sát, kiểm soát người từ vùng khác về địa phương; kịp thời phản ánh đến tổng đài 1022.

[Các huyện ngoại thành Hà Nội chuẩn bị gì để đón học sinh đến trường]

Đối với việc quay lại trường học, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng mọi điều kiện theo đúng quy định. Đặc biệt, thành phố giao Sở Giáo dục phối hợp Sở Y tế xây dựng hướng dẫn cho các đơn vị khi có các tình huống xảy ra. Chú trọng đến công tác y tế học đường nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi đến trường…

Theo ông Dũng, việc một số đối tượng học sinh tại 18 huyện được quay trở lại trường học vào ngày 8/11 theo dự kiến, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ thành phố đến các huyện, thị xã…

Ông nhấn mạnh các địa phương, nhà trường tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường và phải đảm bảo an toàn. Song, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng cũng nêu rõ thời điểm thành phố ban hành văn bản đồng ý chủ trương cho học sinh đi học trở lại là lúc số ca dương tính hằng ngày khoảng trên dưới 10 ca, nhưng từ tuần này, số ca bệnh tăng, do đó nếu tình hình dịch có chiều hướng xấu hơn, số ca mắc tăng lên thì thành phố sẽ có điều chỉnh linh hoạt.

Hà Nội có 7 chùm ca bệnh mới tại cộng đồng

Thông tin thêm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết đến nay, các giáo viên trên địa bàn thành phố hoàn thành tiêm mũi 1 đạt 97,06%; tiêm mũi 2 đạt 72,85%. Có 27 đơn vị trường được trưng dụng làm cơ sở cách ly.

Liên quan đến các F0 trong đợt dịch 4, khối giáo viên có các F0 được phân bổ tại quận, huyện: Cầu Giấy, Hà Đông, Hoài Đức, Hoàng Mai, Mê Linh, Quốc Oai, Thanh Oai và Ứng Hòa.

Ông Cương cho biết ngày 31/10, thành phố thống nhất với tờ trình số 3733/TTr-SGDĐT ngày 30/10/2021 về việc cho học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, từ ngày 8/11/2021, ưu tiên cho học sinh các khối lớp 5, 6, 9, 10 và 12 của các trường học thuộc các xã, phường, thị trấn của 18 huyện và thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, trong 14 ngày tính đến thời điểm ngày 8/11/2021 không có các ca F0 trong cộng đồng được học trực tiếp tại trường. Các khối lớp còn lại học trực tuyến. Trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.

Cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy vậy, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh việc đi học trở lại phải tuân thủ theo các nguyên tắc, quy định như: Hướng dẫn liên ngành số 3668/HDLN:SGDĐT-SYT ngày 25/10 của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế; có phương án bảo đảm giãn cách, giảm sĩ số học sinh/buổi dạy; giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine chỉ dạy học trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp; chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày; kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến hợp lý…

Cũng theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, việc cho học sinh trở lại trường học phải phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo thận trọng, lấy địa bàn cấp xã, phường, thị trấn để đánh giá và xây dựng tiêu chí, làm từng bước thận trọng nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn về sức khỏe cho giáo viên và học sinh…

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, liên ngành Giáo dục-Y tế đã bàn các giải pháp tiêm vaccine cho học sinh trên tinh thần của Ban Chỉ đạo thành phố. Trước mắt, thành phố sẽ tiêm vaccine cho học sinh khối lớp 12 (17 tuổi), tiếp theo là lớp 11 và 10. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị tổ chức tiêm cho học sinh cấp trung học phổ thông tại trường để tránh bỏ sót các trường hợp.

Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương thông tin thêm đến nay, các quận, huyện, thị xã và các bệnh viện trung ương đã tiêm được 9.764.414 mũi; trong đó có 6.046.971 mũi 1, đạt 92,4% dân số trên 18 tuổi và 69,5% tổng dân số; tiêm được 3.717.443 mũi 2, đạt 56,8% dân số trên 18 tuổi và 46,2% tổng dân số. Kết quả tiêm cho người trên 50 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 79,02% và tiêm mũi 2 đạt 46,3%.

Thống kê trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến 3/11), Hà Nội ghi nhận 4.857 ca mắc; trong đó có 1.449 ca tại cộng đồng, 2.254 ca trong khu cách ly tập trung, 864 ca tại khu phong toả; 77 trường hợp nhập cảnh; 213 trường hợp mắc tại các bệnh viện trước ngày 30/9.

Hiện thành phố đang có 7 chùm ca bệnh mới phát sinh trong cộng đồng, gồm: Chùm ca bệnh tại Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa; Chùm ca bệnh tại Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai; Chùm ca bệnh tại Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm; Chùm ca bệnh tại An Khánh, huyện Hoài Đức; Chùm ca bệnh tại Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm; Chùm ca bệnh tại Sài Sơn và thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai; Chùm ca bệnh tại thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục