Phát hiện và cảnh báo sớm "pháo đài bay" B-52 trên màn hiện sóng

“Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”: Khát vọng hoà bình-thịnh vượng

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng lịch sử buộc đế quốc Mỹ đàm phán và ký Hiệp định Paris, VietnamPlus xin giới thiệu chùm bài “Khát vọng hoà bình-thịnh vượng.”
Các lực lượng phòng không Hà Nội tạo thành lưới lửa trên bầu trời Thủ đô, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong trận 12 ngày đêm tháng 12/1972. (Ảnh: TTXVN)

Cuối năm 1972, cuộc đọ sức quyết liệt với siêu cường quốc từ bên kia đại dương đã tạc vào lịch sử dân tộc một trong những trang vàng chói lọi nhất. Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã buộc đế quốc Mỹ phải vào đàm phán, ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Hiệp định Paris được ký kết đã tạo ra cục diện mới làm thay đổi cơ bản tương quan lực lượng để quân và dân Việt Nam có điều kiện giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước. Qua chiến thắng này, từ Hà Nội đã gửi đến toàn nhân loại thông điệp chất chứa nguyện vọng thiết tha - hòa bình.

Kể từ 12 ngày đêm “máu và hoa” đó, từ Hà Nội - trái tim cả nước, đô thị đầu tiên của châu Á được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình,” nguyện vọng ấy đang hoà quyện với sức mạnh, ý chí của dân tộc đưa đất nước tới tầm cao mới. Đó là hiện thực khát vọng, hoài bão về một quốc gia-dân tộc phồn vinh, thịnh vượng.

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không,” phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện loạt bài “Khát vọng hòa bình-thịnh vượng.”

Bài 1: B-52 trên màn hiện sóng

Trong căn phòng ấm cúng của gia đình ông Nghiêm Đình Tích ở phố Đội Cấn, Ba Đình (Hà Nội) ăm ắp sổ, sách ghi chép những chiến công lẫy lừng của Quân chủng Phòng không Không quân. Cạnh tủ đựng tài liệu treo bộ quân phục đỏ huân, huy chương. Ông Tích là Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Đài trưởng Đài ra đa P35, Đại đội 45, Trung đoàn ra đa 291, Quân chủng Phòng không Không quân.

Đại tá Tích là người đã góp công lớn trong chống nhiễu điện tử, phát hiện và cảnh báo sớm B-52 tập kích Hà Nội hồi 12 ngày đêm cuối năm 1972.

Cuộc đối đầu lịch sử

"Tôi có thuận lợi là được chuyên gia Liên Xô đào tạo về nguyên lý điều khiển radar. Chúng tôi cũng từng phát hiện B-52. Năm 1967, địch mở chiến dịch phá hoại Hà Nội gây nhiễu rất nặng nên chúng tôi đã nghiên cứu, xây dựng quy trình chống nhiễu B-52 rất tốt", đại tá Nghiêm Đình Tích cho biết.

Sôi nổi ký ức đối đầu với “siêu pháo đài bay,” ông Tích nhắc lại thời điểm Mỹ mở Chiến dịch Linebacker I vào tháng 4/1972. Khi ấy bộ đội radar phát hiện B-52 không đầy đủ và chính xác, bộ đội tên lửa không đánh được loại máy bay tối tân này.

Ở Hải Phòng, ta phóng gần trăm quả tên lửa mà không bắn rơi được chiếc B-52 nào, trái lại hơn 1.000 dân thường bị thương vong vì bom địch. Cho rằng đã vô hiệu hoá toàn bộ hệ thống radar và tên lửa của ta nên Mỹ mở Chiến dịch Linebacker II với 193 máy bay B-52, gần 1.000 máy bay chiến thuật các loại. Chúng bảo bọn giặc lái “vào đánh phá Hà Nội, như một cuộc dạo mát, sẽ trở về an toàn.”

Nhưng sau các trận đánh không thành công, chúng ta đã tìm phương pháp phát hiện, cách đánh B-52. Binh chủng nghiên cứu rất kỹ biện pháp chống nhiễu tầm chiến dịch, chiến thuật và quy luật, thủ đoạn, đặc điểm nhiễu của B-52, nhất là điểm mạnh, yếu của nhiễu để khoét sâu chỗ yếu của địch.

Binh chủng còn được bổ sung phương tiện, khí tài và điều chỉnh đội hình trên miền Bắc để tạo thế khép kín, vừa nhằm chống nhiễu tốt, vừa đảm bảo phát hiện mục tiêu trên các tầng không.

[Gặp mặt cựu chiến binh Bộ đội Tên lửa Phòng không và Sư đoàn 361]

Trên cơ sở khẳng định B-52 vào đánh Hà Nội từ hai hướng Tây Nam và Đông Nam, Bộ Tư lệnh Quân chủng cũng điều Trung đoàn ra đa 291 từ Hải Phòng vào Nghệ An để vừa đảm bảo cảnh giới vừa tác chiến phòng không trong khu vực, phát hiện B-52 trên hai hướng nhằm báo động B-52 từ xa cho Hà Nội, Hải Phòng.

Lực lượng pháo phòng không nổ súng quyết liệt đánh trả máy bay Mỹ, bảo vệ Hà Nội ngay từ những ngày đầu trong trận 12 ngày đêm tháng 12/1972. (Ảnh: TTXVN)

“Âm mưu làm mù mắt đối phương, địch gây nhiễu rất ghê gớm,” đại tá Tích nhấn mạnh cụm từ này rồi chậm rãi kể, nhiễu điện tử từ Hạm đội 7 ngoài biển dội vào, rồi nhiễu từ hàng trăm máy bay tiêm kích, cường kích. Đặc biệt mỗi B-52 có 15 máy gây nhiễu, 2 máy phóng nhiễu giấy bạc. Một tốp B-52 gồm ba chiếc, tổng cộng có 45 máy tạo nhiễu.

“Các dạng nhiễu cứ lồng chéo vào nhau, dày đặc, đan đi quét lại. Nhiễu trắng xóa màn hiện sóng, lấp mọi tín hiệu phản xạ khiến mọi dải tần số của ra đa hoàn toàn mất mục tiêu,” đại tá Nghiêm Đình Tích trầm giọng nhớ lại.

“Kiên quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ"

Cầm tấm ảnh chụp kíp chiến đấu của Đài Radar P35, chỉ từng người trong ảnh, ông Nghiêm Đinh Tích bồi hồi: “Đây là các trắc thủ Phạm Hoàng Cầu, Nguyễn Văn Xích, đây là tôi.” Rồi vị Đại tá già cho hay, thời điểm đó, thực sự là chúng ta trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Hầu như toàn bộ hệ thống ra đa cảnh giới của ta tê liệt. Duy còn Đài ra đa 35- đơn vị chốt của Trung đoàn 291, mà khi đó tôi là Đài trưởng. Đài có sáu máy thu, sáu máy phát nhưng sáu máy thu đều bị nhiễu.

“May là kiểm tra lại thì có một máy thu bị nhiễu nhẹ,” Đại tá Tích nhớ lại.

Một thoáng suy nghĩ, ông Nghiêm Đình Tích tắt năm máy thu, chỉ để lại một máy thu, sáu máy phát. Đây là thao tác chống nhiễu B-52 bằng kinh nghiệm, sở trường và sự sáng tạo độc đáo của kíp chiến đấu. Sau quyết định thông minh này, màn hình máy thu lập tức hiện lên ba chấm sáng nhỏ lúc ẩn lúc hiện trên dải nhiễu ở độ cao 12km. Kíp chiến đấu nhanh chóng xác định đây là B-52, ở phương vị 2750, hướng Tây Nam Đô Lương (Nghệ An).

Tin Đài Radar 35 phát hiện B-52 vượt vĩ tuyến 20, có khả năng vào đánh Hà Nội lập tức được báo cáo về Bộ Tổng Tham mưu. Sau khi ông Tích trực tiếp khẳng định với Quân chủng, lập tức, toàn quân vào vị trí chiến đấu. Lúc này là 18h50 ngày 18/12/1972- thời điểm mở đầu 12 ngày đêm đánh B-52.

Tiếng còi báo động phòng không nhân dân khẩn cấp rú từng hồi ở Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh miền Bắc. Nối sau đó là tiếng gầm rú của các loại máy bay tiêm kích, cường kích và âm thanh ì ầm nặng nề của B-52 trên bầu trời Thủ đô.

Chúng ta đã báo động phòng không trước khi máy bay địch xâm nhập 45 phút để nhân dân có điều kiện phòng tránh kỹ, các đơn vị chiến đấu có thời gian chuẩn bị tốt hơn, giành thế chủ động ngay từ trận đầu. Mỹ hoàn toàn bất ngờ, không nghĩ rằng ra đa của Việt Nam có thể phát hiện B-52.

“Cái giá cho sự kiêu ngạo này là 3 chiếc B-52 bị bắn rơi đêm đó. Ngày ấy, thực sự là chúng ta đã không để Tổ quốc bị bất ngờ,” Đại tá Nghiêm Đình Tích bồi hồi nói.

Xứng danh “Mắt thần Tổ quốc”

Từ cuộc đối đầu trên bầu trời Hà Nội hồi 50 năm trước, đến các đơn vị ra đa của Quân chủng Phòng không Không quân, thấy truyền thống hào hùng đang được cán bộ, chiến sỹ binh chủng kế thừa, phát huy vào nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời được giao.

Như tại Trung đoàn 295, Sư đoàn 363 - đơn vị được thành lập sau ngày đất nước thống nhất. Đóng quân tại Hải Phòng với đội hình trải dài trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố, Trung đoàn 295 trải qua 40 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và nay đang không ngừng lớn mạnh.

Trung đoàn từng bước được trang bị nhiều loại vũ khí, khí tài mới, hiện đại của Nga, Israel, Ukraine, Belarus. Hiện nay trong biên chế đơn vị có ba đài radar ELM-2288ER, P-18M, VRS-2DM.

Xác máy bay B-52 bị bắn rơi vào 23h ngày 27/12/1972 trên phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). (Ảnh: Minh Trường/TTXVN)

Ở Trạm radar 22 của Trung đoàn, những cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ canh trời Tổ quốc đang giữ vừng lời thề “kiên quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ vì các tình huống trên không.” Tầm mắt của người lính ra đa bao quát cả một vùng biển, hải đảo trên hướng Đông Bắc rộng lớn- Tổ quốc luôn hiện ra trên màn hình hiện sóng.

Theo Đại tá Vũ Văn Tịnh, Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 295, chiến công vang dội của lớp lớp cha anh chính là nhân chứng, bài học lịch sử vô cùng quý giá để hôm nay thêm thôi thúc cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn - dẫu thời bình cần phải biết gìn giữ, bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc.

“Để thực sự là “tai, mắt của Tổ quốc,” tập thể cán bộ, chiến sỹ đang huấn luyện và khai thác có hiệu quả các loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới và cải tiến, hiện đại hóa; tích cực nghiên cứu khoa học quân sự, giáo trình huấn luyện chiến đấu sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,” Đại tá Vũ Văn Tịnh nhấn mạnh.

Như Đại tá Ninh Hướng Dương, Trưởng phòng Quản lý vùng trời, Quân chủng Phòng không-Không quân khẳng định: Chiến dịch phòng không năm 1972 đã đi qua nửa thế kỷ nhưng những bài học quý báu về sử dụng lực lượng và tổ chức hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng của Quân chủng vẫn còn nguyên giá trị.

Trách nhiệm của các thế hệ bộ đội ra đa tiếp nối là tiếp tục nghiên cứu, học tập và vận dụng những kinh nghiệm quý báu để xây dựng Quân chủng ngày càng lớn mạnh, tinh nhuệ và hiện đại, đủ sức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý vùng trời, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Bài 2: Đánh sập thần tượng không lực Hoa Kỳ

Bài 3: Màu của Hòa bình và hy vọng

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục