Hà Nội: Dịch vụ trông xe tha hồ "chặt chém" trong dịp Tết

Bất chấp quy định cứ mỗi dịp lễ, Tết thì giá trông giữ xe đạp, xe máy ở Hà Nội lại trong vũ điệu “tăng giá,” đặc biệt là ở các khu chợ trung tâm, đền chùa, khu vực phố cổ.
Hà Nội: Dịch vụ trông xe tha hồ "chặt chém" trong dịp Tết ảnh 1(Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)

Mặc dù Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định quy định rõ mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô trên địa bàn Hà Nội nhưng bất chấp quy định, cứ mỗi dịp lễ, Tết thì giá trông giữ xe đạp, xe máy ở Hà Nội lại trong vũ điệu “tăng giá,” đặc biệt là ở các khu chợ trung tâm, đền chùa, khu vực phố cổ.

Do thiếu diện tích trông giữ nên các chủ trông giữ tha hồ “chặt chém” người gửi xe, thu giá vé tùy tiện, khiến người dân bức xúc.

Có mặt tại chợ Hôm Đức Viên vào ngày 23 tháng Chạp, bãi gửi xe ở cổng vào số 67 phố Huế kín xe máy. Một phần diện tích của điểm gửi xe là đường vào ngõ 67, phần còn lại nằm trong tầng 1 của chợ, sát khu vực bán hoa quả.

Tại đây, phí gửi xe máy in trên vé là 2.000 đồng. Tuy nhiên, nhân viên gửi xe lại thu 5.000 đồng/lượt gửi xe máy. Khi phóng viên thắc mắc vì sao mức thu thực tế lại khác với giá dịch vụ in trên vé, nhân viên trông giữ xe giải thích vé là do mua từ công ty in nên mới có mức phí.

Một nhân viên khác chỉ vào tấm bảng giá dịch vụ trông xe đóng trên tường, sau bàn trực của bãi trông xe và nói: “Đây này, bọn anh thu theo đúng quy định rồi đấy.”

Tấm bảng có nội dung, phí cho xe máy là 5.000 đồng; trong đó 2.000 đồng là phí gửi xe, 3.000 đồng là phí dịch vụ; phí xe đạp là 3.000 đồng (1.000 đồng phí gửi xe và 2.000 đồng phí dịch vụ).

Thấy phóng viên tỏ vẻ nghi ngại, một nhân viên tại đây biện minh: “Ở đây có mái che nên giá mới như thế em ạ. Nếu em gửi xe ngoài vỉa hè, giá là 10.000 đồng cơ. Ngày Tết nhất, em thông cảm cho bọn anh.”

Quả thật, tại các điểm trông giữ trên vỉa hè phía ngoài chợ giá trông giữ xe máy là 10.000 đồng/lượt, nếu ai thắc mắc cũng chỉ nhận được sự im lặng của nhân viên trông giữ.

Tương tự, điểm trông giữ xe ở bờ hồ Hoàn Kiếm gần Thủy Tạ cũng diễn ra tình trạng thu phí vượt mức so với giá in trên vé. Nhân viên trông giữ xe thu 10.000 đồng/lượt gửi xe máy; trong khi số tiền in trên vé là 3.000 đồng. Khi phóng viên hỏi tại sao giá vé cao như vậy thì nhân viên ở đây vờ không nghe thấy và lảng sang chuyện khác.

Điểm trông giữ xe ở đây hầu như lúc nào cũng đông đúc, xe máy xếp sát nhau trên gờ nổi ngăn cách giữa điểm đỗ xe và phố Đinh Tiên Hoàng.

Tại chợ Đồng Xuân vào những ngày gần Tết, các loại xe cộ tấp nập ra vào bất kể thời tiết mưa, lạnh. Hai điểm gửi xe nằm trên phố Hàng Khoai do Công ty cổ phần Đồng Xuân mở ra chật ních xe.

Tại đây, phí trông giữ xe máy được thu vượt mức theo cách tinh vi hơn. Nhân viên trông xe ghi đè biển kiểm soát lên vé để che đi con số 3.000đồng/lượt được in theo mẫu. Sau đó, nhân viên trông giữ xe thu phí 10.000 đồng mỗi xe.

Đặc biệt, thời gian qua, trước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là trung tâm Bờ Hồ người dân tự lập ra các điểm giữ xe thu với mức giá 30.000 đồng/xe máy.

Điểm trông giữ xe vào Phủ Tây Hồ do Hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp Quảng An mở ra có chỗ gửi cho cả ôtô và xe máy.

Diện tích bãi gửi ôtô khá rộng, chỉ còn một góc nhỏ để gửi xe máy. Khách đến Phủ Tây Hồ gửi xe tại bãi này cũng không tránh khỏi tình trạng bị thu phí gửi xe cao hơn vé.

Số tiền ghi trên vé là 3.000 đồng/lượt nhưng bảo vệ lại thu 5.000 đồng/lượt gửi xe máy. Tại đây, bảo vệ còn tìm cách “tận dụng” lại vé trông giữ xe. Mỗi xe máy gửi tại bãi này sẽ nhận được vé ghi lại biển kiểm soát. Khi hết một lượt gửi xe, bảo vệ xóa biển kiểm soát ghi trên vé để “tái sử dụng” cho lượt gửi xe khác.

Ngày 20/8/2014, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 69/2014/QĐ - Ủy ban Nhân dân về việc thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, xe ôtô.

Quyết định ghi rõ mức thu phí tại địa bàn các quận; tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa đối với xe máy vào ban ngày là 3.000 đồng/xe/lượt; phí đối với xe đạp là 2.000 đồng/xe/lượt.

Mức thu phí tại các chợ, trường học, bệnh viện vào ban ngày với xe máy là 2.000 đồng/xe/lượt; xe đạp là 1.000 đồng/xe/lượt.

Thế nhưng trên thực tế tại nhiều điểm trông giữ xe như trên thì quy định một đằng, thực hiện một nẻo, khiến người dân bất bình khi chế tài thì không được thực thi còn người dân thì vẫn phải chịu chặt chém.

Để tránh tiếp tục xảy ra tình trạng trên, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, xem xét để đưa ra mức giá phù hợp cho từng khu vực trông giữ, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp thu giá vé tùy tiện, đảm bảo ổn định giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn vào những dịp lễ, Tết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục