Hà Nội: Di tích 300 năm bất ngờ biến thành công trình 1 ngày tuổi

Việc phá bỏ hoàn toàn di tích 300 tuổi tại đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội là điều đáng tiếc do sự thiếu hiểu biết của người dân.
Đình Lương Xá 300 tuổi bị phá bỏ hoàn toàn, thay bằng công trình bêtông. (Ảnh: Đinh Thị Thuận/Vietnam+)

Một di tích có niên đại 300 năm tuổi mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Lê Trung Hưng đã bị chính quyền xã trùng tu bằng cách phá bỏ hoàn toàn, xây dựng mới bằng bê tông, biến một di tích thành một công trình 1 ngày tuổi.

Chuyện lạ này đang xảy ra tại đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội khiến dư luận bức xúc.

Xóa sổ một di tích

Chiều 30/7, có mặt tại di tích đình Lương Xá phóng viên TTXVN ghi nhận một công trường xây dựng ngổn ngang, bộn bề bêtông, giàn giáo, vật liệu xây dựng, không còn dấu ấn di tích đình làng. Đình mới xây dựng có 5 gian, toàn bộ khung, cột, mái đổ hoàn toàn bằng bêtông. Các công nhân vẫn đang tiếp tục công việc.

Ngay cạnh đó là sân hợp tác xã được sử dụng làm nơi chứa các cấu kiện gỗ bị hạ giải để xây dựng lại đình. Người dân đang tụ tập bàn tán về số phận công trình gây dư luận xôn xao thời gian qua.

Ông Phạm Tự Khải, Trưởng thôn Lương Xá cho biết năm 2001, đình Lương Xá xuống cấp nên nhân dân trong thôn tu sửa và thay thế một số cấu kiện hoành, rui bằng gỗ bạch đàn.

Đến năm 2017, đình tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng, nhân dân trong thôn nhận thấy nếu không tu sửa có thể gây sập, nên đã tổ chức họp dân thống nhất, nếu số gỗ còn tốt trên 70% sẽ xây dựng bằng gỗ, còn không sẽ xây bằng bêtông. Mức đóng góp mỗi khẩu đóng góp 800.000 đồng.

[Chấn chỉnh biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử tại nơi thờ tự]

Tuy nhiên, dự toán công trình lên tới 5 tỷ đồng, ngoài số tiền đóng góp của nhân dân là 1 tỷ đồng, số còn lại do hai cá nhân khác cung tiến.

Sau khi thống nhất, đình Lương Xá đã bị phá bỏ, được xây dựng mới bằng bêtông, chủ đầu tư là thôn Lương Xá.

Điều đáng nói là đình Lương Xá dù chưa được xếp hạng di tích nhưng lại thuộc danh mục kiểm kê di tích của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nên được bảo vệ bởi Luật Di sản Văn hóa. Việc xóa bỏ hoàn toàn một di tích lịch sử văn hóa như đình Lương Xá là vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, nguyên tắc trùng tu phải tuân thủ đúng quy trình thủ tục, có sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền và phải đảm bảo giữ lại các giá trị gốc.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định việc hạ giải, đổ bêtông các hạng mục trong di tích là hoàn toàn sai quy định.

Địa phương xao nhãng quản lý

Trước thực trạng đình Lương Xá bị phá bỏ để xây mới, ông Lương Ngọc Hoàng, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ứng Hòa lý giải trước khi hạ giải đình Lương Xá, ngày 13/12/2017, Ủy ban Nhân dân xã Liên Bạt có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa xin tu bổ, tôn tạo đình Lương Xá do đình xuống cấp.

Sau khi có tờ trình, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ứng Hòa đã xuống kiểm tra thực tế, đồng thời có công văn phúc đáp Ủy ban Nhân dân xã Liên Bạt.

Công văn phúc đáp đã nêu rõ đình Lương Xá chưa xếp hạng di tích nhưng đã được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố Hà Nội.

Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân xã Liên Bạt lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật và hướng dẫn xã xác định rõ nguồn vốn gửi về phòng, ban chuyên môn; Phòng có trách nhiệm tham mưu với Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa xin ý kiến Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về chủ trương tu bổ đình.

Sau khi có công văn phúc đáp, Ủy ban Nhân dân xã Liên Mạc không có phản hồi lại, không lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Ông Lương Ngọc Hoàng cũng nhấn mạnh việc tu bổ, tôn tạo đình Lương Xá là do xã Liên Bạt, thôn Lương Xá tự làm, không báo cáo với phòng chuyên môn của huyện.

Ông Lương Ngọc Hoàng bày tỏ việc phá bỏ hoàn toàn di tích 300 tuổi thành 1 ngày tuổi là điều đáng tiếc do sự thiếu hiểu biết của người dân.

Tuy nhiên, khi đặt ngược lại vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa huyện khi để xảy ra sự việc này, ông Lương Ngọc Hoàng thừa nhận đó là một phần trách nhiệm của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện.

Mặc dù đình chỉ xây dựng nhưng chiều 30/7, công nhân vẫn tiếp tục thi công. (Ảnh: Đinh Thị Thuận/Vietnam+)

Ông Hoàng trần tình với số lượng di tích lớn trên địa bàn huyện (433 di tích, trong đó có 159 di tích đã được xếp hạng, số chưa được xếp hạng đã phân cấp cho Ủy ban Nhân dân các xã trực tiếp quản lý) nên việc quản lý của Phòng chưa sát sao.

Cũng về vấn đề trách nhiệm quản lý của Ủy ban Nhân dân xã Liên Mạc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã né tránh không trả lời về vấn đề trên và viện lý do chờ chỉ đạo của cấp trên.

Đình chỉ thi công

Qua tìm hiểu tâm tư người dân thôn Lương Xá, nhiều người cho rằng việc tu bổ đình là cần thiết khi di tích đã bị xuống cấp nhưng phá bỏ hoàn toàn và đổ bêtông xây dựng là không nên. Họ cũng bày tỏ sự xót xa khi di tích cũ bị biến mất mà chỉ có công trình xây mới.

Ông Nguyễn Hạ Lẫm, một người dân trong thôn nêu rõ: “Chúng tôi rất tiếc khi ngôi đình lại được trùng tu theo kiểu phá bỏ, xây bằng bêtông, không còn lại giá trị cổ nào. Những cấu kiện chạm trổ thì vứt bỏ đầy bên ngoài. Khi họp dân, người ta bảo sửa lại ngôi đình cho đàng hoàng nhưng sự đàng hoàng này đã làm mất hết giá trị cổ xưa.” 

Bà Phạm Thị Tuyền, cũng sống trong thôn, cho biết bà cũng muốn tu sửa đình để khi ra họp hành có chỗ chắc chắn nhưng việc xây dựng bằng bêtông như thế không phù hợp. Trùng tu là tôn tạo lại từ đình cũ, không nên xây mới bằng bêtông. Không chỉ là giá trị kiến trúc mà vấn đề tâm linh cũng ảnh hưởng.

Ngay sau khi nắm vụ việc trên, sáng 30/7, Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội đã xuống kiểm tra thực tế và lập biên bản kiểm tra.

Tại cuộc kiểm tra có sự tham gia của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ứng Hòa, Ủy ban Nhân dân xã Liên Bạt, đại diện thôn Liên Bạt.

Đoàn đã kiểm tra hiện trạng di tích, nắm các thông tin về công trình xây dựng và khẳng định công trình này xây dựng sai phép. Đoàn đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Liên Bạt, Ban quản lý di tích cơ sở đình chỉ thi công công trình xây dựng cho đến khi có ý kiến của các cấp có thẩm quyền.

Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa phải có báo cáo gửi về Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội để tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trước ngày 20/8.

Cuối buổi sáng 30/7, Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa đã đình chỉ thi công ở đình Lương Xá. Tuy nhiên, trong chiều 30/7, nhiều công nhân vẫn tiếp tục thi công công trình./.

(Nguồn: VNews)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục