Hiện dịch COVID-19 với những biến chủng mới đang lây lan rất nhanh, phức tạp khó lường đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống của nhân dân.
Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Để nguồn lực hỗ trợ đến đúng người cần trợ giúp Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã lên phương án về phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, xác định rõ đối tượng thụ hưởng và sẽ được triển khai linh hoạt, tránh trùng lặp, không bỏ sót, giúp doanh nghiệp cũng như người dân nhanh chóng phục hồi sản xuất đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Tránh chồng chéo, trùng lặp
Để thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, ngay sau khi nhận được Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Hà Nội đã khẩn trương xây dựng tiêu chí nhằm xác định các đối tượng đủ điều kiện được nhận hỗ trợ. Về cơ bản, Hà Nội sẽ khoanh vùng các đối tượng cần hỗ trợ theo định hướng của Trung ương. Từ cuối tháng 4/2020 đến tháng Năm vừa qua, Hà Nội đã hỗ trợ cho tổng số 515.515 người, với hơn 608 tỷ đồng.
Bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết riêng với các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, trước khi có Nghị quyết số 68/NQ-CP, Hà Nội đã thống nhất chủ trương hỗ trợ cho đối tượng này, do Cục Thuế thành phố Hà Nội chủ trì thực hiện. Để tránh trường hợp chồng chéo, trùng lặp, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cùng ngành Thuế sẽ rà soát, sàng lọc, bảo đảm mỗi người chỉ nhận được một chính sách hỗ trợ mức cao nhất.
[Đề xuất hướng dẫn hỗ trợ lao động tự do để tránh đùn đẩy trách nhiệm]
Đối với nhóm lao động tự do, đối tượng ưu tiên đề xuất hỗ trợ là người lao động làm công việc tự do, bị ảnh hưởng về việc làm tại những địa bàn phải cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19 theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó là những người làm các công việc không có giao kết hợp đồng lao động tại những địa điểm, lĩnh vực có thời gian dài phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố và các địa phương (bán nước vỉa hè, cắt tóc, gội đầu, spa…). Người được hỗ trợ phải có hoàn cảnh khó khăn và không phải tất cả lao động tự do đều được hỗ trợ.
Điều này được hiểu rằng có thể cùng là lao động tự do, nhưng người lao động ở địa bàn này sẽ nhận được mức hỗ trợ cao hơn địa bàn khác; địa phương này có nhiều lao động được hỗ trợ hơn các địa phương khác. Tiêu chí, điều kiện xác định đối tượng thụ hưởng ở các địa phương có thể cũng khác nhau.
Với kinh nghiệm đã từng triển khai gói hỗ trợ trong năm 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội với vai trò chủ trì thực hiện, đã rút ra bài học sâu sắc: “Phải rõ tiêu chí, rõ đối tượng, thì nguồn lực hỗ trợ mới đến đúng người cần trợ giúp,” bà Bạch Liên Hương chia sẻ.
Kịch bản ứng phó khi có 5.000 công nhân mắc COVID-19
Hiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, với chủng mới lây lan rất nhanh, nhất là xảy ra ở các khu công nghiệp có hàng nghìn công nhân đang làm việc. Trước tình hình đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã lên kịch bản sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có phương án ứng phó với tình huống có 1.000-5.000 ca mắc trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trong trường hợp lây nhiễm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ghi nhận số lượng dương tính lên tới 5.000 người, dẫn tới số lượng F1 có thể lên tới 200.000 người, bao gồm hai nhóm chính là công nhân tại các khu công nghiệp và người dân tại cộng đồng, việc thực hiện cách ly y tế sẽ phân theo hai nhóm.
Đối với F1 là công nhân tại các khu công nghiệp, nếu lưu trú tập trung tại một số địa điểm cụ thể, tổ chức cách ly y tế vùng các nơi lưu trú tập trung này theo hướng dẫn của Bộ Y tế; trường hợp các F1 sinh sống tản mát tại nhiều địa điểm, không có khả năng triển khai cách ly y tế vùng thực hiện cách ly tại nơi lưu trú dã chiến.
Khi F1 là người dân trong cộng đồng, sẽ thực hiện cách ly tập trung nếu số lượng không vượt quá năng lực tổ chức cơ sở cách ly tập trung của thành phố; xem xét cách ly y tế tại nhà có sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng địa phương khi số lượng vượt quá 40.000 người; thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đối với các huyện có số ca mắc lớn, các huyện lân cận giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, toàn thành phố theo Chỉ thị số 19/CT-TTg….
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng lên kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức thực hiện. Trong đó, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chỉ đạo khoanh vùng, cách ly khu vực có trường hợp mắc bệnh, không để lây lan ra cộng đồng; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc cách ly cộng đồng trên phạm vi các địa phương có dịch theo Chỉ thị của Chính phủ; chỉ huy, điều động lực lượng, xử lý tình huống trong suốt quá trình triển khai tình trạng khẩn cấp về dịch COVID-19….
Trên tinh thần đó, Hà Nội triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội năm 2021 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo nguyên tắc nhất quán: điều gì tốt nhất cho người lao động, Hà Nội sẽ áp dụng, đồng thời đưa nguồn lực đến đúng đối tượng, tạo điểm tựa cho người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn./.