Hà Nội đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm

Hiện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, mới đạt 31% kế hoạch Trung ương giao và thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.
Một góc thành phố Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Mặc dù tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, song trong tháng 8/2021, thành phố vẫn có một số chỉ tiêu kinh tế đạt kết quả tích cực.

Từ nay đến cuối năm 2021, thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công - một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vượt khó khăn, đạt kết quả tích cực

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều chỉ số sản xuất và tiêu dùng của Hà Nội trong tháng 8/2021 giảm so với tháng trước như chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất, nhập khẩu.

Tổng mức bản lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng giảm 32,2% so với tháng 7 và giảm 51,2% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế 8 tháng giảm 8,9%. Số doanh nghiệp thành lập mới 8 tháng đầu năm nay giảm 7% so với cùng kỳ và có 2.204 doanh nghiệp giải thể, tăng 36%.

Cũng trong tháng 8/2021, thành phố có 12 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 17,6 triệu USD. Trong 8 tháng, đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 9.599 tỷ đồng; thu hút vốn FDI đạt 841,8 triệu USD. Số thu từ nhà, đất đạt thấp và có sự suy giảm so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất giảm 22,9%... Đặc biệt, du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề; khách du lịch trong nước giảm mạnh 11,8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn có một số chỉ tiêu kinh tế đạt kết quả tích cực, khả quan như: tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 164.483 tỷ đồng, đạt 69,8% dự toán Trung ương giao và đạt 65,4% dự toán thành phố giao, bằng 110,3% so với cùng kỳ.

[Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025]

Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp một số ngành công nghiệp đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nổi bật như sản xuất xe có động cơ tăng 21,6%, sản xuất trang phục tăng 18,2%, sản xuất đồ uống tăng 16,1%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 10,9%...

Tổng thu nội địa do ngành thuế quản lý (trừ dầu) tăng 9,7% so với cùng kỳ; trong đó thu từ khu vực sản xuất-kinh doanh tăng 28,9% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có nhiều cố gắng duy trì sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng phương án “3 tại chỗ," cho công nhân làm việc luân phiên, nghỉ giãn cách... Sản xuất nông nghiệp thuận lợi, chăn nuôi ổn định; trong đó chăn nuôi lợn có sự phục hồi, hoạt động tái đàn được chú trọng.

Một số quận, huyện có tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản cao như Thanh Xuân, Phú Xuyên, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy; trong đó, quận Thanh Xuân đang là "địa bàn nóng" về dịch COVID-19 nhưng đạt kết quả giải ngân cao, đứng đầu thành phố. Quận Đống Đa đứng đầu thành phố về tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách thành phố giao năm 2021.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Từ nay đến cuối năm 2021, thành phố Hà Nội sẽ tập trung quản lý và khai thác tốt các nguồn thu đảm bảo thực hiện dự toán ngân sách nhà nước thành phố giao.

Thành phố chú trọng đẩy nhanh tiến độ thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, xác định giá thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất trả tiền một lần của các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất cũng như các dự án phải thu nghĩa vụ tài chính bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước làm cơ sở để cơ quan thuế thu nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Cùng với đó, thành phố tăng cường phối hợp xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất của các dự án; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khi đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

Ủy ban Nhân dân thành phố cũng yêu cầu các đơn vị kiểm tra, rà soát, có kế hoạch phân bổ kinh phí hợp lý trên tinh thần cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021 để bổ sung dự phòng ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, đầu tư phát triển, các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và hoạt động quan trọng, cấp bách của thành phố.

Hiện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của thành phố đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, mới đạt 31% kế hoạch Trung ương giao và thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước. Trong khi đó, thành phố còn có 89 dự án thuộc kế hoạch năm 2021 và năm 2020 kéo dài.

Ảnh minh họa.

Xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố trong các tháng cuối năm, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị, quận, huyện, thị xã tiếp tục coi trọng công tác giải ngân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện thanh quyết toán các thủ tục, hồ sơ, dự án theo quy định; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu giải ngân hết 100% vốn đầu tư công của thành phố.

Thành phố giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, điều chỉnh các quy hoạch trên địa bàn thành phố; công bố công khai các quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư, khai thác tiềm năng lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và các địa phương.

Các Sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai các kế hoạch đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa, thực phẩm, nông sản thành phố với các tỉnh, thành phố phù hợp với tình hình dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục