Thời gian gần đây, nguồn cung bất động sản trên địa bàn Thủ đô còn tương đối khan hiếm, sản phẩm bất động sản nhà ở mới được chào bán chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước.
Quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn của người dân.
Trong khi đó, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nhà ở xã hội tại các khu nhà ở xã hội tập trung rất thấp so với quy mô các dự án do bị khống chế về dân số.
Mặt khác, việc triển khai các dự án nhà ở công nhân còn chậm do cơ chế, chính sách ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư; trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian…
Để đáp ứng chỉ tiêu được giao tại Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" của Chính phủ và triển khai đầu tư nhà ở xã hội sau năm 2030, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo lập, phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) với khoảng 1 triệu m2 sàn, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã rà soát, bổ sung khoảng 15 khu đất mới có quy mô lớn để đầu tư xây dựng các dự án khu nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (khoảng 2.000 căn hộ); trong đó, tập trung bố trí 2-3 khu đất xây dựng nhà ở công nhân tại khu vực gần các khu công nghiệp.
Đáng chú ý, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa phê duyệt danh mục dự án nhà ở, khu đô thị thuộc Kế hoạch phát triển 2021-2025 (đợt 3). Theo đó, thành phố sẽ có thêm 6 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích gần 13 ha tại quận, huyện: Ba Đình, Long Biên, Thanh Trì, Thạch Thất.
Theo quy hoạch, 6 dự án nhà ở xã hội này cung cấp hơn 8.300 căn hộ, tương ứng khoảng 655.000m2 sàn với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng. Hiện, các dự án cơ bản hoàn giải phóng mặt bằng, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2026-2029.
Cụ thể là các dự án: Khu nhà ở giãn dân quận Hoàn Kiếm (tại Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên) có 3.005 căn hộ, sẽ hoàn thành năm 2026; Nhà ở để bán cho đối tượng thu nhập thấp Công an quận Ba Đình (tại Xứ đồng Bảo Vân, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) có 77 căn hộ, hoàn thành năm 2026; Nhà ở xã hội để bán cho cán bộ chiến sỹ Bộ Công an (tại Thôn Thượng, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì), 660 căn hộ, hoàn thành năm 2028; Nhà ở xã hội tại khu dân dụng Bắc Phú Cát (tại Xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất), 2.592 căn hộ, hoàn thành năm 2028; Nhà ở xã hội tại ô đất CT thuộc ô quy hoạch CT1, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá tại phường Long Biên (quận Long Biên), 290 căn hộ, hoàn thành năm 2028; Nhà ở xã hội tại ô C14/NO1 phường Phúc Đồng (tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên), 1.220 căn hộ, hoàn thành năm 2029.
Theo Sở Xây dựng thành phố, cùng với việc công bố danh mục nhà ở xã hội trên, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng cập nhật 10 dự án nhà ở đang triển khai, dự kiến hoàn thành trong năm tới với hơn 1.000 căn.
Dự kiến, sau năm 2025, Hà Nội có 26 dự án sẽ hoàn thành, với gần 9.900 căn. Ngoài ra, còn có 36 dự án (khoảng 49.000 căn) đang làm thủ tục đầu tư ở các huyện ven như Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng và Thường Tín.
Hà Nội là một trong các đô thị lớn có nhu cầu cao về nhà ở xã hội, nhưng mới đây, qua cuộc giám sát của Đoàn giám sát Quốc hội về việc "Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023" tại thành phố Hà Nội cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội bổ sung dự án bất động sản theo phương thức BT khi có khó khăn, vướng mắc; đề xuất trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu nào có thể cắt giảm; việc sử dụng nguồn tiền thu được từ tiền đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Trưởng Đoàn công tác số 1 của Đoàn giám sát cho biết, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, ghi nhận và phản ánh đầy đủ trong báo cáo chung để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thường kỳ và báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.
Đồng thời, cũng đề nghị thành phố Hà Nội khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành được giao trong các Luật. Cùng với đó, tập trung thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Luật Thủ đô (sửa đổi); hoàn thiện 2 nhiệm vụ quy hoạch của Thủ đô nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Đối với kiến nghị của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội liên quan đến chính sách xã hội về nhà ở, thống nhất chỉ có một loại nhà (không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại) theo chất lượng của Bộ Xây dựng quy định để người dân được tiếp cận như nhau về chất lượng và dịch vụ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, chất lượng nhà ở xã hội phải bảo đảm quy chuẩn chung về nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành, được quy định tại Luật Nhà ở năm 2023 nhưng giá nhà ở xã hội thấp hơn từ ưu đãi thông qua các chính sách của Nhà nước.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, giai đoạn 2015-2023, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn Hà Nội bình quân đạt khoảng 3,16%/năm.
Lượng giao dịch trên thị trường chủ yếu vẫn từ các dự án nhà ở căn hộ trung và cao cấp, tập trung tại khu vực gần trung tâm, giao thông thuận tiện, đa dạng về tiện ích, thiết kế căn hộ linh hoạt, có tiến độ thanh toán hợp lý, chủ đầu tư có uy tín và có tiềm năng tăng giá trong tương lai.
Cụ thể, ở giai đoạn 2015-2023, Hà Nội có khoảng 466 dự án đã hoàn thành với khoảng 29,3 triệu m2 sàn; 598 dự án đang triển khai, tương đương khoảng 106,6 triệu m2 sàn.
Trong số đó có 30 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với khoảng 1,66 triệu m2 sàn; 58 dự án đang triển khai với khoảng 4 triệu m2 sàn, 60.480 căn hộ và có 83 ô đất có tổng quy mô sử dụng đất khoảng 43,58 ha tại 48 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20-25% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định./.
Mới đạt 2,4% kế hoạch nhà ở xã hội năm 2024: Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp gì?
Bên cạnh việc tập trung tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, thủ tục đẩy nhanh tiến độ cấp phép, triển khai dự án, các ngân hàng cần nghiên cứu gói tín dụng cho người mua nhà xã hội...