Hà Nội đầu tư 93 tỷ đồng xây công trình cấp nước sạch

Ủy ban Nhân dân Hà Nội đầu tư hơn 93 tỷ đồng xây dựng công trình cấp nước sạch liên xã Hiệp Thuận và Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ.
Hà Nội đầu tư 93 tỷ đồng xây công trình cấp nước sạch ảnh 1(Ảnh minh họa: Lê Sen/TTXVN)

Để cải thiện, nâng cao sức khỏe cho người dân và làm giảm dịch bệnh do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, Ủy ban Nhân dân Hà Nội đầu tư hơn 93 tỷ đồng xây dựng công trình cấp nước sạch liên xã Hiệp Thuận và Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ.

Dự án được thực hiện trong 2 năm (2014-2015) do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư.

Theo quyết định, dự án trên được triển khai đầu tư ở xã Hiệp Thuận và Liên Hiệp, với công suất 2.950 m3/ngày đêm, cấp nước sạch cho gần 20.170 người dân, từ nguồn nước ngầm tại bãi đê sông Đáy, thuộc địa phận xã Hiệp Thuận bằng công nghệ xử lý hiện đại, đồng bộ, khép kín từ khâu khai thác, xử lý và cung cấp dịch vụ...

Trong số vốn đầu tư trên, chi phí xây dựng trên 57 tỷ đồng, thiết bị gần 13 tỷ đồng, quản lý dự án hơn 1,1 tỷ đồng, tư vấn đầu tư xây dựng gần 8,6 tỷ đồng, chi khác gần 1,1 tỷ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng gần 5 tỷ đồng và dự phòng hơn 7,2 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư của dự án từ Chương trình trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2013-2015 do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, cụ thể: vốn ngân sách Trung ương cấp phát thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường thôn thôn do WB tài trợ 60% (tương đương 56 tỷ đồng); vốn ngân sách thành phố vay lại từ WB 30% (tương đương 28 tỷ đồng); vốn nhân dân đóng góp 10% (tương đương 9 tỷ đồng).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, hiện nay, Sở đang rà soát lại thiết kế cơ sở, để tính toán, phân tích, lựa chọn phương án thiết kế bản vẽ thi công của các hạng mục công trình bảo đảm tối ưu về kinh tế kỹ thuật trên tất cả các mặt như hình thức, quy mô, kết cấu, biện pháp thi công công trình, số lượng chủng loại, hệ thống thiết bị....

Sở đang đầu tư tiết kiệm, hiệu quả cao, không để xảy ra lãng phí vốn đầu tư; phải ưu tiên sử dụng thiết bị sản xuất trong nước để tiết kiệm ngoại tệ, kích thích sản xuất công nghiệp trong nước phát triển.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục