Hà Nội đảm bảo đủ nguồn hàng hóa phục vụ nhân dân chống dịch

Hiện nay các hệ thống cung cấp hàng hóa vẫn hoạt động bình thường tại 26 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 128 cơ sở kinh doanh và 455 chuỗi cung ứng hàng hóa.
Hàng hóa dồi dào được bày bán tại siêu thị Big C Thăng Long. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Chiều 31/3, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết sáng cùng ngày có hiện tượng thiếu hàng hóa cục bộ ở một số điểm bán lẻ và siêu thị nhưng đây chỉ là sự thiếu hụt tức thời và sẽ được bổ sung ngay.

Bà Lan khẳng định thành phố luôn đảm bảo đầy đủ nguồn hàng hóa phục vụ tốt cho nhân dân trong dịch COVID-19.

Theo bà Lan, hiện nay các hệ thống cung cấp hàng hóa vẫn hoạt động bình thường tại 26 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 128 cơ sở kinh doanh và 455 chuỗi cung ứng hàng hóa.

Những điểm này là nơi phục vụ thường xuyên và cũng được kiểm soát tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm và dịch bệnh cho người dân đi mua sắm. Thành phố cũng đã phối hợp với các nhà sản xuất, cung ứng, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như nhiều tỉnh lân cận để chủ động nguồn hàng hóa.

[Thủ tướng: Cách ly 15 ngày trên phạm vi toàn quốc từ 0 giờ ngày 1/4]

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố đã có kế hoạch cụ thể cho việc đảm bảo sản xuất, tiêu thụ và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để cung ứng hàng hóa ngày càng nhiều cho người dân trên địa bàn, thành phố đã rà soát, quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn.

Thành phố cũng triển khai một số chương trình, đề án lớn hỗ trợ việc đảm bảo an toàn thực phẩm như “Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn,” “Chương trình phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao,” “Dự án chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm,” “Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản”... đã được hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung, diện tích rau VietGAP đạt hơn 225ha, gần 50ha rau hữu cơ, đã hình thành rõ nét 76 xã chăn nuôi trọng điểm và 4.276 trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Hapro Thành Công. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử sử dụng mã QRcode được xây dựng, qua đó đã quản lý, cấp mã tài khoản quản trị cho 2.506 cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn thành phố.

Hà Nội đã cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho 460 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục tham gia hn.check.net.vn với tổng bộ mã truy xuất được quản lý hơn 5.500 mã sản phẩm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội để tích cực kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản; xây dựng và phát triển được 727 chuỗi.

Hà Nội còn duy trì và phát triển 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; trong đó, 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có trên 1.800 siêu thị, cửa hàng tiện ích kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn phủ khắp thành phố.

Một số hệ thống lớn như Vinmart có tổng số 44 siêu thị và trên 800 cửa hàng tiện ích; Siêu thị Lan Chi có 13 siêu thị; Intimex có 6 siêu thị; Coopfood có 57 cửa hàng tiện lợi, Circle K có 145 cửa hàng; K-mart có 32 cửa hàng; T-martstores có 36 cửa hàng; Homefarm có 51 cửa hàng...

Việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích về cơ bản được Hà Nội đảm bảo, đáp ứng cung cầu hàng hóa trong mọi tình huống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục