Hà Nội: Đảm bảo cung ứng hàng thiết yếu dịp Tết

Sở Công thương Hà Nội đã hoàn tất các phương án chuẩn bị đủ nguồn hàng thiết yếu cho dịp cuối năm và Tết, không để găm hàng sốt giá.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012 sẽ tăng từ 20% đến 21% so với các tháng trong năm, khoảng 24.000 tỷ đồng/tháng.

Do vậy, tại thời điểm này, Sở Công Thương cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang tích cực triển khai đồng các giải pháp bộ nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn hàng thiết yếu cho nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Sẵn sàng cung ứng đủ nguồn hàng

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố sẽ tăng cao trong thời điểm Tết Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tới đây.

Cụ thể, lương thực khoảng 65.000 tấn/tháng, thịt lợn khoảng 12.000 tấn, thịt gia cầm khoảng 6.000 tấn. Với mức tăng như vậy, tổng sản lượng thịt gà, vịt từ các doanh nghiệp và các hộ dân trên địa bàn sẽ đáp ứng khoảng 62% lượng thịt tiêu thụ trên thị trường, lượng thịt còn lại được nhập từ các địa phương khác. Nhu cầu về rau, củ, quả tháng Tết dự kiến lên 90.000 tấn, bánh mứt kẹo các loại khoảng 1.500 tấn...

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị nguồn hàng cho các dịp lễ, Tết cơ bản đã hoàn tất. Thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp chủ động khai thác hàng hóa nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống từ các tỉnh, đảm bảo dự trữ hàng hóa có chất lượng, đa dạng, phong phú phục vụ nhu cầu của người dân Hà Nội, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, giá cả bị đẩy lên cao.

Cùng với đó, các doanh nghiệp và siêu thị trên địa bàn cũng bắt tay vào cuộc để dự trữ hàng hóa phục vụ công tác bình ổn thị trường.

Trong đó, các siêu thị lớn như: Metro, Big C, Hapro... dự trữ hàng với tổng số tiền hàng hơn 1.900 tỷ đồng. Công ty Xăng dầu khu vực I, Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình dự trữ 45 triệu lít xăng, dầu. Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát chuẩn bị khoảng 85 triệu lít bia, rượu, nước giải khát...

Năm nay, hệ thống siêu thị Big C đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng Tết từ tháng Sáu với số tiền đầu tư hơn 150 tỷ đồng, tăng từ 20% đến 25% so với năm ngoái, tập chung chủ yếu vào các mặt hàng chủ đạo là thực phẩm khô, mặt hàng thực phẩm tươi sống…

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Giám đốc Hệ thống Siêu thị Big C cho biết: Đến thời điểm này siêu thị đã đảm bảo được 75% đơn hàng với các loại hàng hóa được chuẩn bị và sẽ cam kết giá duy trì ổn định trong dịp mua sắm Tết.

Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) năm nay cũng bố trí 400 điểm bán hàng bình ổn giá theo các tiêu chuẩn của thành phố, tăng gấp 2 lần so với thực hiện năm 2010.

Theo bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành Tổng công ty Thương mại Hà Nội, để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đẩy mạnh việc tìm kiếm nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng chung trên toàn hệ thống bán lẻ, chú trọng là nguồn hàng phục vụ công tác bình ổn giá.

“Thời gian vừa qua, giá cả thực phẩm tươi sống có biến động, Hapro vẫn đảm bảo lượng hàng thực phẩm để cung cấp tại các siêu thị, cửa hàng phục vụ người tiêu dùng và chưa khi nào nguồn nhập vào siêu thị bị khan hiếm,” bà Khuê Anh nói.

Kiểm soát thị trường, không để sốt giá


Bên cạnh việc đảm bảo về chất lượng hàng hóa, giá cả hợp lý cho người tiêu dùng, từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở Công thương Hà Nội, Hiệp hội siêu thị Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và Chi cục quản lý thị trường kiểm tra hoạt động sản xuất, giết mổ, chế biến, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chế biến, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, phát hiện, xử lý các hiện tượng đầu cơ tích trữ hàng hóa bất hợp pháp.

Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng trà trộn với các mặt hàng bán trong siêu thị và  trên thị trường, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, cần phải xử lý thật nghiêm những đơn vị vi phạm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nhấn mạnh, các mặt hàng tham gia là các mặt hàng thiết yếu, mỳ chính, gia vị, nước mắm, bánh mứt kẹo.... với mức giá bán hợp lý, phù hợp với nhu cầu mua sắm của nhân dân khu vực ngoại thành, công nhân.

Sở Công thương cũng yêu cầu Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội triển khai quyết liệt các hoạt động sản xuất, giết mổ, chế biến, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thịt lợn, trâu bò, gia cầm, thực phẩm chế biến, đồ uống, rau an toàn...

Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng tích cực kiểm tra để phát hiện các hiện tượng đầu cơ tích trữ hàng hóa bất hợp pháp, kiểm tra việc thực hiện bán hàng bình ổn giá tại các điểm bán hàng doanh nghiệp đăng ký, kiểm tra các Hội chợ Xuân, các kho dự trữ hàng thực phẩm, các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa... Đảm bảo việc kiểm tra, xử lý đúng quy định nhưng không làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các đơn vị.

Hiện Sở Công Thương Hà Nội cũng chỉ đạo các doanh nghiệp đảm bảo hàng hóa đầy đủ tại hơn 560 điểm bán hàng bình ổn giá,  mở rộng thêm các điểm bán bình ổn giá trong dịp lễ, Tết, góp phần ổn định giá cả 9 nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu trong danh mục hàng bình ổn giá của thành phố./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục