Hà Nội: Cưỡng chế giải phóng mặt bằng để thực hiện cải tạo sông Tích

Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì khẳng định các chế độ chính sách của Nhà nước về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đã được các ngành chức năng tính đúng, tính đủ theo quy định hiện hành.
Phương tiện cơ giới được huy động tham gia cưỡng chế giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Để thực hiện dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội về cải tạo khôi phục sông Tích phục vụ tưới, tiêu nước trên địa bàn, ngày 7/6, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì (Hà Nội) đã tổ chức cưỡng chế thu hồi hơn 4.000m2; công trình trên đất của nhiều hộ dân nằm trong quy hoạch dự án cải tạo, tiếp nước sông Tích.

Trước khi thực hiện cưỡng chế, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành gặp gỡ các gia đình bị thu hồi đất để tuyên truyền, vận động hộ dân chấp hành vì lợi ích chung của thành phố.

Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì khẳng định các chế độ chính sách của Nhà nước về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đã được các ngành chức năng tính đúng, tính đủ theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, các gia đình vẫn cố tình chây ỳ, không thực hiện bàn giao đất nên Ủy ban Nhân dân huyện đã ban hành quyết định cưỡng chế theo thẩm quyền nhằm đảm bảo thời gian bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công dự án sông Tích đúng tiến độ.

Dự án sông Tích có tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách thành phố Hà Nội và nguồn vốn ODA.

[Cưỡng chế phá dỡ nhiều biệt thự xây dựng trên đất rừng Ba Vì]

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng Nhân dân thành phố đã đặt ra yêu cầu chủ đầu tư, các quận, huyện có dự án đi qua phải tập trung đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công hạng mục; huy động cao nhất lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung thi công, bảo đảm đưa nước sông Ðà vào sông Tích trong thời gian sớm nhất, đưa công trình vào sử dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn còn chậm, trong đó nguyên nhân chính là các công trình bị vướng mặt bằng chưa thể thi công.

Trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Mặt khác, thành phố yêu cầu các ngành chức năng và địa phương khắc phục những hạn chế trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục