Hà Nội: Cung ứng hàng hóa ổn định trong những ngày giãn cách xã hội

Các doanh nghiệp, các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội tích cực duy trì và mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân giai đoạn giãn cách xã hội.
Hàng hóa dự trữ tại siêu thị tăng gấp 2-3 lần trong những ngày giãn cách xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo báo cáo của Tổ Công tác đặc biệt khu vực miền Bắc, miền Trung của Bộ Công Thương, trong ngày 25/8, tình hình thị trường, lưu thông hàng hóa ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân, không có hiện tượng giá tăng đột biến gây bất ổn thị trường.

Tại Hà Nội, có 27 chợ, 5 siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm đóng cửa (giảm 3 chợ và 2 cửa hàng tiện ích so với ngày 24/8), song nguồn cung hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân.

[Lưu thông, phân phối hàng hóa ổn định tại khu vực phía Nam]

Tính đến 18 giờ ngày 25/8, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã duyệt cấp mã QR code đăng ký “luồng xanh” cho 2.192 xe ôtô và cấp mã số xác nhận cho 9.869 xe môtô, xe 2 bánh cho 250 doanh nghiệp, đơn vị theo danh sách của Sở Công Thương.

Các doanh nghiệp, các quận, huyện trên địa bàn thành phố tích cực duy trì và mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân.

Ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống Vinmart, Co.op, Big C, Circle K…, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Bưu điện Hà Nội để mở 472 điểm bán hàng thiết yếu. 11 quận, huyện đã triển khai 57 điểm bán hàng lưu động (tăng 1 quận và 2 điểm so với ngày 24/8).

Cùng với đó, các quận huyện triển khai một số mô hình cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm như tổ chức các điểm bán hàng dã chiến, lập nhóm Zalo giữa nhân dân trên địa bàn và các đơn vị phân phối để thực hiện giao dịch.

Sở Công Thương Hà Nội cũng đồng hành cùng Thành đoàn Hà Nội, Câu lạc bộ Doanh nhân Sao đỏ và Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức Chương trình “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội Trái tim hồng” để hỗ trợ người nghèo, công nhân lao động trên địa bàn thành phố.

Đến nay, đã tổ chức được 11 điểm siêu thị 0 đồng, sẽ tiếp tục mở 6 điểm (tổng số 17 điểm trên toàn thành phố)./.

Một điểm bán hàng lưu động của Siêu thị Smart trên phố Thái Hà, quận Đống Đa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Người mua hàng tại điểm bán hàng lưu động của Siêu thị Smart trên phố Thái Hà, quận Đống Đa được xịt khuẩn đảm bảo quy định phòng chống dịch. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã lên phương án bố trí 2.500 điểm bán hàng lưu động, thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu có thể bị đóng cửa do xuất hiện F0. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Sở Công Thương Hà Nội đã đề nghị các doanh nghiệp tăng lượng dự trữ hàng hóa tối đa, đổi mới hình thức kinh doanh, tăng cường bán trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng lưu động…, tạo thuận tiện, giúp người dân hạn chế đi lại, đảm bảo quy chuẩn trong phòng chống dịch. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Một điểm bán hàng lưu động của Siêu thị Smart trên phố Thái Hà, quận Đống Đa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục