Hà Nội công khai danh sách 7 cơ sở đào tạo lái xe không phép

Bảy trung tâm đào tạo lái xe không phép ở Hà Nội gồm điểm tập lái xe Hồng Anh, địa điểm tập lái xe số 9, địa điểm tập lái xe Nguyễn Xiển, địa điểm tập lái xe đường Đỗ Đức Dục...
Sa hình sát hạch thực hành của một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Tin từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Sở này vừa công khai danh sách bảy trung tâm đào tạo lái xe không phép tại Hà Nội.

Sở cũng có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp trong việc xử lý các cơ sở đào tạo lái xe không phép trên địa bàn thành phố.

Qua rà soát thu thập thông tin, Sở đã phát hiện bảy trung tâm đào tạo lái xe không phép ở Hà Nội gồm địa điểm tập lái xe Hồng Anh (số 785 Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai); địa điểm tập lái xe số 9 (số 79 Võ Chí Công, quận Tây Hồ); địa điểm tập lái xe số 9 (khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy); sân tập lái Nhật Tân (ngõ 464 Âu Cơ, quận Tây Hồ); địa điểm tập lái xe Nguyễn Xiển (số 312 Nguyễn Xiển, quận Hoàng Mai); địa điểm tập lái xe đường Đỗ Đức Dục (quận Nam Từ Liêm); địa điểm tập lái xe tại cột phát sóng VOV đường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm).

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phối hợp với công an các phường xử lý những xe tập lái dạy thực hành không đúng địa điểm đã đăng ký.

Ngoài ra, Sở yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe cần tiếp tục nâng cao quản lý, nhất là giáo viên dạy thực hành lái xe; theo dõi việc thực hiện kế hoạch dạy thực hành lái xe đúng tuyến đường tập lái, sân tập lái đã đăng ký với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.

Trước đó, qua các đợt thanh tra đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại các địa phương do Bộ Giao thông Vận tải thực hiện gần đây cho thấy vẫn tồn tại nhiều bất cập trong đào tạo sát hạch lái xe.

[Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng "chống trượt" về đào tạo lái xe]

Việc trang bị kiến thức, trau dồi văn hóa, đạo đức, nghề nghiệp của người lái xe còn chưa được coi trọng. Hơn nữa, quá trình đào tạo lái xe ở các cơ sở đang có hiện tượng cạnh tranh gay gắt, đua nhau giảm giá, gây “loạn” về phí đào tạo, cắt xén chương trình.

Đáng lưu ý, việc tuyển sinh tại nhiều cơ sở đào tạo còn thiếu chặt chẽ, thậm chí có phần tùy tiện, học viên thiếu tự giác, nghiêm túc trong việc học, nhiều hồ sơ không có giấy khám sức khỏe,…

Không chỉ việc quản lý đào tạo sát hạch lái xe ôtô còn lỏng lẻo, mà đối với xe môtô cũng còn bất cập. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan quản lý sớm có các biện pháp chấn chỉnh quyết liệt, để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe, giám sát chặt cả chương trình, thời gian và chất lượng dạy học tại các cơ sở đào tạo sát hạch.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần mạnh tay xử lý các trung tâm vi phạm quy định về đào tạo sát hạch lái xe; có thể rút giấy phép và công khai danh sách các trung tâm này trên các phương tiện thông tin đại chúng; không chỉ phạt hành chính cần nghiên cứu quy định cấm hành nghề, thậm chí cấm hành nghề trọn đời những lái xe vi phạm nghiêm trọng luật giao thông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục