Hà Nội còn ít nhất 15 điểm có nguy cơ ngập úng cao ở khu vực nội đô

Với lượng mưa từ 50mm đến 100mm, kéo dài trong 2 giờ, Hà Nội sẽ có 15 điểm bị ngập úng. Lượng mưa càng lớn thì các điểm ngập úng sẽ nhiều hơn và mức độ ngập lớn hơn.
Nước ngập sâu tại đường Bạch Thái Bưởi, Khu đô thị Văn Quán, Quận Hà Đông, tối 12/5. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chiều 15/5, tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, với lượng mưa từ 50mm đến 100mm, kéo dài trong 2 giờ, Hà Nội sẽ có 15 điểm bị ngập úng. Lượng mưa càng lớn thì các điểm ngập úng sẽ nhiều hơn và mức độ ngập lớn hơn.

Cũng theo ông Chu Phú Mỹ, nguyên nhân vẫn còn những điểm ngập úng này là do mật độ xây dựng trong khu vực nội đô thời gian qua rất mạnh. Bên cạnh đó, ý thức của một số người dân còn vứt rác xuống các cống nước, hố ga, lối thoát nước, điều này đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ khi lượng mưa tăng cao.

Ngoài ra, các trạm bơm tiêu nước cho nội thành Hà Nội khi có mưa lớn hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện thành phố đang kêu gọi đầu tư, tiếp tục thực hiện nhiều trạm bơm lớn để sớm khắc phục tình trạng úng ngập trong thời gian tới.

Thực hiện công tác phòng chống thiên tai, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và các công ty thủy lợi kiểm tra đồng thời, rà soát các hồ đập trên địa bàn thành phố rà soát quy trình tích nước và vận hành, những hư hỏng, sự cố được đầu tư tu sửa nhằm bảo đảm an toàn cho các hồ chứa trong mùa lũ năm 2018. Bên cạnh đó, xây dựng phương án phòng, chống úng ngập ngoại thành và bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa bão năm 2018.

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi Cục Đê điều thành phố Hà Nội cho biết thêm, nhằm chủ động phòng chống thiên tai, lũ lụt ngập úng trên địa bàn, Chi cục cũng đã lập báo cáo hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2018, trên cơ sở đó đã xác định 4 trọng điểm đặc biệt xung yếu.

Bao gồm khu vực cống Xuân Canh-Long Tửu, tương ứng K0+000 đến K2+000 đê tả Đuống, huyện Đông Anh; công trình cống Liên Mạc, tương ứng K53+450 đê hữu Hồng, quận Bắc Từ Liêm; đê, kè Cổ Đô, tương ứng K4+000 đến K8+600 đê hữu Hồng, huyện Ba Vì; cống Cẩm Đình tại K1+700 tuyến đê Vân Cốc, thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ và 12 điểm xung yếu khác trên toàn địa bàn, từ đó xây dựng phương án hộ đê hiệu quả, nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc, do mưa lũ gây ra.

Trước đó, ngày 30/3/2018, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018. Chỉ thị nêu rõ, năm 2018, được dự báo là năm thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường theo chiều hướng cực đoan hơn.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ thị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống, hồ đập, các công trình phòng chống thiên tai. Qua đó, kịp thời phát hiện các hư hỏng và chủ động sửa chữa, khắc phục đảm bảo an toàn công trình theo phân cấp.

CÙng với việc rà soát, tổng họp những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn; trong đó, các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Sóc Son, Mỹ Đức, đặc biệt lưu ý lũ rừng ngang, chủ động di dời nhân dân trong trường hợp khấn cấp, các ngành chức năng tổ chức phổ biến, tuyên truyền, triển khai thực hiện quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai trên địa bàn, để nhân dân biết, chủ động ứng phó theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Đồng thời, các sở ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 cụ thể, sát thực tế của địa phương. Cùng đó, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần, kinh phí theo phương châm 4 tại chỗ. Ngoài ra, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt mưa lớn, lốc xoáy, bão mạnh, siêu bão có thể gây ngập úng, đổ cây, nhất là cây đô thị khu vực nội thành; thời tiết nắng nóng, hạn hán, mưa đá, rét đậm, rét hại, kịp thời báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố để chỉ đạo, xử lý, ứng phó kịp thời, theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục