Hà Nội: Cơ sở tái chế nhựa "chui" hẳn vào khu dân cư hoạt động 24/24

Mặc dù cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn đã "cưỡng chế thành công" 27 cơ sở nhựa tái chế "mọc" trái phép trên đất nông nghiệp, nhưng gần đây, một số cơ sở lại chuyển vào hoạt động trong khu dân cư.
Hà Nội: Cơ sở tái chế nhựa "chui" hẳn vào khu dân cư hoạt động 24/24 ảnh 1Kho xưởng tập kết nguyên liệu sản xuất hạt nhựa của ông Nguyễn Văn Thành, tại thôn Dược Hạ. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Mặc dù cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đã tiến hành cưỡng chế 27 cơ sở tạo hạt nhựa “mọc” trái phép trên đất nông nghiệp, gây ô nhiễm tại xã Tiên Dược nhưng gần đây, một số cơ sở này lại chuyển vào khu dân cư, khiến tình trạng môi trường sống quanh khu vực bị ô nhiễm ngày một nghiêm trọng hơn.

“Đưa cái chết xa… lại gần”

Ngày 22/9/2016, VietnamPlus đăng tải loạt bài “Xâm nhập thủ phủ nhựa tái chế ‘bức tử’ môi trường ngay thủ đô Hà Nội,” phản ánh tình trạng hàng loạt cơ sở sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế tự phát từ nhiều năm qua đã ngang nhiên tồn tại xã Tiên Dược, bất chấp lệnh cấm xây dựng công trình nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp, cũng như quy định về bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo số 153/BC-UBND của Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược, ban hành ngày 14/3/2017, tính đến tháng 8/2016, trên địa bàn xã Tiên Dược tồn tại 82 cơ sở sản xuất, kinh doanh nghành nghề giặt tải, cán giấy, tạo nhựa, gioăng kính. Trong đó có 37 cơ sở hoạt động trên đất nông nghiệp và đất công, 45 trường hợp hoạt động trên đất thổ cư của hộ gia đình.

Ngay sau khi loạt bài được đăng tải, Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược đã ra thông báo đến từng hộ dân và phối hợp với các ban, nghành, đoàn thể của địa phương vận động 10 hộ hoạt động trên đất nông nghiệp ngường hoạt động. Đến đầu tháng 12/2016, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược tiếp tục tổ chức cưỡng chế thành công 27/27 cơ sở sản xuất gioăng kính, nhựa tái chế hoạt động trên đất công và nông nghiệp.

“Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số hộ lại chuyển máy về khu vực dân cư tại thôn Dược Hạ để sản xuất nhựa tái chế. Do họ sản xuất trên đất thổ cư của hộ gia đình nên việc xử lý rất khó khăn. Thực sự chúng tôi cũng rất đau đầu,” ông Dương Văn Năng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược nói.

Trong khi chính quyền địa phương đang “bất lực” trước việc xử lý các cơ sở sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế ngang nhiên nhả khói gây ô nhiễm môi trường, thì người dân tại thôn Dược Hạ, ngày ngày lại phải hứng chịu bầu không khí “bẩn” và thường xuyên phải hít mùi nhựa khét lẹt, khó chịu.

Ông Dương Văn Nhất, trưởng xóm Trại, thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược cho biết, sau 10 năm gây hại môi trường, ngày 20/12/2016, các cơ sở sản xuất nhựa tái chế xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đầu độc môi trường đã bị cưỡng chế, dỡ công trình. Tuy nhiên, chỉ sau đúng một tuần, có 5 hộ gia đình lại chuyển nhà máy, lò đốt vào hoạt động 24/24 ngay trong khu dân cư.

Theo lời ông Nhất, từ ngày chuyển vào khu dân cư đến nay, các cở sở tạo hạt nhựa liên tục xả khói, gây mùi hắc khét và tiếng ồn rất khó chịu. Khổng thể chịu tình cảnh này, người dân xóm Trại đã nhiều lần phản ánh, viết đơn cầu cứu cơ quan chức năng xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, nhưng đến nay, “kẻ giết người không dao” này vẫn ngang nhiên tồn tại.

“Đây là việc làm nhẫn tâm, ‘mang cái chết xa lại gần’ khiến người dân vô cùng bức xúc,” ông Nhất thở dài nói.

Cùng chung nỗi bức xúc, bà Nguyễn Thị Cận, nhà nằm ngay sát lò đốt tạo hạt nhựa của ông Nguyễn Văn Thành tại xóm Trại, buồn rầu nói: “Hai ông bà đang mắc bệnh tai biến, riêng ông thì nằm liệt giường, song ngày ngày vẫn phải hít khói độc, nghe tiếng ồn, không thể nào chịu được. Ông bà rất bức xúc, nhưng kêu mãi cũng chả giải quyết được gì.”

[Xâm nhập thủ phủ nhựa tái chế “bức tử” môi trường ngay thủ đô Hà Nội]

Hà Nội: Cơ sở tái chế nhựa "chui" hẳn vào khu dân cư hoạt động 24/24 ảnh 2Báo cáo tình hình hoạt động từ các cơ sở tạo nhựa của Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Hà Nội: Cơ sở tái chế nhựa "chui" hẳn vào khu dân cư hoạt động 24/24 ảnh 3Báo cáo tình hình hoạt động từ các cơ sở tạo nhựa của Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

“Bất hợp lý trong chỉ đạo?”

Không chỉ ngang nhiên nhả khói, gây ô nhiễm môi trường ngay trong khu dân cư, những ngày đầu tháng 4/217, tiếp cận khu vực các cơ sở sản xuất nhựa tái chế đã bị cơ quan chức năng cưỡng chế trong tháng 12/2016, chúng tôi phát hiện, một kho nhà xưởng chứa bao tải, sản xuất hạt nhựa vẫn còn tồn tại và hoạt động.

Vì sao các cơ sở sản xuất nhựa tái chế xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường đã bị cơ quan chức năng “cưỡng chế thành công,” nay một số nhà xưởng vẫn ngang nhiên tồn tại như vậy? Liệu chính quyền địa phương có biết thực trạng này?

Mang câu hỏi trên đến gặp lãnh đạo chính quyền địa phương, ông Dương Văn Năng - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược thản nhiên nói: “Cuối năm 2016, xã đã tổ chức cưỡng chế hết các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, một số hộ xin chuyển nghành nghề sản xuất, thì chỉ tháo dỡ phần máy móc. Tôi sẽ cho kiểm tra lại.”

Về kế hoạch xử lý các cở sở sản xuất tạo nhựa hoạt động trong khu dân cư, ông Năng cho biết, quan điểm của xã là xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm. Ngày 28/2/2017, Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược cũng nhận được Văn bản số 261/UBND-TNMT của Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn về việc ngăn chặn, xử lý việc chuyển mục đích sử dụng đất trái phép để xây dựng nhà xưởng sản xuất tạo hạt nhựa trên địa bàn xã.

“Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định hiện hành, Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược nhận thấy có điểm bất hợp lý trong việc thực hiện chỉ đạo. Bởi vì, hành vi ‘chuyển mục đích sử dụng đất trái phép’ trong Nghị định số 102/2014/NĐ-CP không có quy định nào về hành vi vi phạm ‘chuyển mục đích sử dụng đất từ đất ở sang các loại đất khác’ cụ thể là đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp như các hộ đang hoạt động.”

“Vì vậy, Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược không có căn cứ để thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn tại văn bản số 261/UBND-TNMT,” ông Năng nhấn mạnh.

Tuy vậy, để xử lý dứt điểm các cơ sở sản xuất tạo hạt nhựa gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, trả lại môi trường sống cho người dân thôn Dược Hạ, ông Năng cũng cho biết, ngày 9/2/2017, Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dược đã đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, phòng tài nguyên và môi trường huyện sớm công bố kết quả cụ thể về việc phân tích mẫu thu được tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, từ đó có biện pháp xử lý dứt điểm vi phạm.

“Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, huyện vẫn chưa công bố kết quả mẫu phân tích, nên xã rất khó xử lý. Trong việc này, thẩm quyền của xã cũng có hạn, nên chỉ biết chờ huyện chỉ đạo,” ông Năng phân trần.

Trong khi đó, về phía cơ sở sản xuất tạo hạt nhựa trong khu dân cư đang khiến người dân thôn Dược Hạ bức xúc, ông Nguyễn Văn Thành, chủ một cơ sở sản xuất nhựa tái chế khẳng định, nhà xưởng của ông sẽ tiếp tục hoạt động cho tới khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng.

Để rõ hơn về thực trạng ô nhiễm, cũng như kế hoạch xử lý các cơ sở sản xuất tạo hạt nhựa gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư tại thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược trong các ngày 3/4 và 7/4, phóng viên VietnamPlus đã liên hệ làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, nhưng chưa nhận được thông tin phản hồi.

VietnamPlus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này tới bạn đọc!./.

Cơ sở sản xuất hạt nhựa "đầu độc" môi trường tại huyện Sóc Sơn
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục