Ngày 27/6, tại Hội nghị giao ban trực tuyến quý 2 này của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội với lãnh đạo quận, huyện, thị xã trên toàn địa bàn thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019, tỷ lệ cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn thành phố đã tăng lên đáng kể.
Đến nay tỷ lệ cấp nước khu vực đô thị vẫn duy trì ở mức xấp xỉ 100%; khu vực nông thôn đã nâng từ 50% lên 57%.
Hà Nội cũng đã đưa vào hoạt động 4 dự án cấp nguồn, nâng công suất nguồn cấp từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố lên 1.370.000 m3/ngày đêm, tăng 335.000 m3/ngày đêm so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ thất thoát nước trên hệ thống đã giảm thêm 9%, còn khoảng 12%, giúp thành phố tiết kiệm khoảng gần 100.000m3/ngày-đêm.
Nhờ đó, đến mùa Hè năm 2019, lượng nước cấp của thành phố đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhu cầu hiện nay khoảng 1,1 triệu m3/ngày đêm, trong khi tổng công suất nguồn cấp của thành phố hiện nay đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.
Về đầu tư, tính đến thời điểm hiện nay, thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước sạch, khi các dự án này hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ xã nông thôn được cấp nước sạch lên 94%.
Riêng năm nay, dự kiến sẽ hoàn thành 5 dự án nhà máy cấp nước, nâng công suất tăng thêm khoảng 525.000 m3/ngày đêm và sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống mạng cấp tại các huyện, xã, phấn đấu đến hết năm nay, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch sẽ nâng lên 73-75%.
Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết thêm, thành phố hiện có 1.317.000 khách hàng sử dụng nước sạch sinh hoạt.
[Đến năm 2025, hệ thống thoát nước phải phủ hơn 70% diện tích đô thị]
Với dự báo nhu cầu sử dụng nước vào cao điểm mùa Hè của người dân sẽ tăng từ 5-10%, số khách hàng tăng thêm khoảng 6%, do khách hàng tại các khu đô thị mới được đưa vào sử dụng tại khu vực nội đô, Đông Anh, Gia Lâm... dự kiến khoảng 60.000 hộ. Tuy nhiên, với nỗ lực của các đơn vị cấp nước và các cơ quan liên quan, tổng lượng nước sạch khai thác vẫn vẫn bảo đảm cung cấp đủ cho người dân.
Đối với trường hợp có sự cố, hoặc bảo dưỡng sửa chữa đường ống số 1 nước sạch sông Đà, các đơn vị cấp nước sẽ đưa vào vận hành Trạm bơm tăng áp Tây Mỗ (có bể chứa 30.000 m3/ngày-đêm) và đấu nối bổ sung nguồn nước mặt sông Đuống cho khu vực các quận Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì, thời gian cấp nước ổn định trở lại cho người dân khu vực này sẽ được rút ngắn xuống còn một ngày. Riêng đối với sự cố tuyến đường ống số 1 sông Đà, đơn vị vận hành phải sửa chữa, khắc phục không quá 10 giờ/điểm sự cố.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng lưu ý một số vấn đề có thể phát sinh, gây ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch cho người dân trong mùa Hè năm nay như hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn thành phố hiện nay có nhiều nơi đã xuống cấp, chưa được xử lý.
Bên cạnh đó, theo dự báo của Trung tâm khí tượng, thủy văn Trung ương, mùa Hè năm nay nền nhiệt sẽ cao hơn năm ngoái, do đó, nhu cầu sử dụng nước của người dân sẽ tăng cao, hệ thống cấp nước của thành phố sẽ phải vận hành tối đa tại một số thời điểm, dẫn đến những nguy cơ vỡ đường ống nước, nhất là tại các vị trí đường ống đã xuống cấp.
Các dự án nhà máy cấp nước sạch trên địa bàn thành phố hiện nay tiến độ triển khai còn chậm. Việc kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống mạng cấp tại khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp, các ngành có liên quan cần tiếp tục đôn đốc quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cấp nước sạch đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; trong đó, tập trung đôn đốc tiến độ các dự án có công suất lớn như dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, dự án nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II, dự án nhà máy nước mặt sông Hồng và dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai…
Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố cần tăng cường quản lý, thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống mạng cấp nước, sẵn sàng các phương án ứng phó, khắc phục ngay khi xảy ra sự cố, hạn chế tối đa các rủi ro về sự cố vỡ đường ống, gây ảnh hưởng đến việc cấp nước cho nhân dân.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp nước trên địa bàn để kịp thời phối hợp xử lý, khắc phục ngay khi xảy ra sự cố, không để tình trạng mất nước kéo dài./.