Hà Nội chuyển mình mạnh mẽ sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đánh giá, diện mạo Thủ đô đã thay đổi mạnh mẽ, kinh tế-xã hội phát triển ổn định, cơ sở hạ tầng được điều chỉnh theo tầm nhìn mới, an nin
(Ảnh minh họa: Trương Lâm/TTXVN phát)

Ngày 2/5, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo góp ý vào Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, đối ngoại (giai đoạn 2008-2018) và định hướng nhiệm vụ trọng tâm những năm tiếp theo.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương và đại biểu các tỉnh, thành phố lân cận.

10 năm qua, dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, thách thức, nhất là sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các vùng miền, lượng công việc phải thực hiện lớn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy lợi thế, vượt qua thách thức, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, sau khi thực hiện hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, đạt trung bình 7,4%/năm, Hà Nội duy trì là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước.

Giá trị văn hóa truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp của văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài ngày càng được duy trì và phát huy; an sinh xã hội được đảm bảo, hơn 8.000 ngôi nhà cho người có công với cách mạng được hỗ trợ và sửa chữa. Thành phố đang tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hơn 4.000 hộ nghèo.

Đặc biệt, ngay sau khi hợp nhất, thành phố đã thực hiện cấp điện cho các địa bàn chưa được dùng điện, quan tâm đầu tư chuẩn hóa giáo dục, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đến nay đã đạt 62%.

Trong lĩnh vực y tế, nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị được đưa vào sử dụng. Các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, quản lý đô thị, dịch vụ hành chính công… ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, xây dựng và quản lý đô thị, vệ sinh môi trường được thực hiện với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả như chương trình trồng 1 triệu cây xanh, cấp nước sạch nông thôn, cải tạo sông hồ…

Nhiều khu đô thị mới khang trang đã và đang hình thành; nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư.

Hạ tầng nông thôn được chú trọng, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới của Hà Nội đến nay đạt 76,17%, dẫn đầu cả nước. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi, tạo diện mạo mới cho Thủ đô.

Nhận định thành phố Hà Nội đã giải quyết một lượng công việc khổng lồ trong 10 năm qua, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đánh giá, diện mạo Thủ đô đã thay đổi mạnh mẽ, kinh tế-xã hội phát triển ổn định, cơ sở hạ tầng được điều chỉnh theo tầm nhìn mới, an ninh trật tự được giữ vững.

Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Hà Nội làm nổi bật hơn trong báo cáo những công việc đã làm được và nêu rõ tồn tại trong chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính cũng như những hạn chế về cơ chế, chính sách khi thực hiện chủ trương đã đề ra.

Góp ý vào Dự thảo báo cáo của thành phố, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, báo cáo cần đánh giá kết quả hợp nhất, nâng cao chất lượng cán bộ công chức, thực hiện tinh giản biên chế, cải cách hành chính, định hướng xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân tại Hà Nội.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định, khi thông qua các quy hoạch sử dụng đất, thành phố cần làm nổi bật lên những đánh giá việc quản lý về sử dụng đất đai trong 10 năm qua. Đồng thời, ông Lê Công Thành đề nghị Hà Nội tập trung đầu tư hơn để hồi sinh các con sông trên địa bàn thành phố, đầu tư các trạm quan trắc môi trường và có giải pháp đảm bảo không khí trong lành.

Theo ông Tô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị, việc mở rộng địa giới hành chính đã tạo nhiều thuận lợi cho Thủ đô. Báo cáo của Hà Nội cần làm rõ tác động và vai trò của việc mở rộng địa giới hành chính đối với việc tái cơ cấu không gian phát triển của thành phố.

Bên cạnh đó, cần phân chia nhiệm vụ theo các giai đoạn cụ thể với mục tiêu phát triển bền vững; phân bố lại không gian theo hướng cân bằng, sinh thái bền vững; tiếp tục chú trọng liên kết vùng Thủ đô, hình thành các cụm Đại học và các trung tâm y tế chất lượng cao ở ngoại thành; giảm áp lực dân số trong khu vực nội đô…

Thay mặt lãnh đạo thành phố cảm ơn ý kiến đóng góp của đại diện các Bộ, Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo cơ quan soạn thảo báo cáo tiếp thu, bám sát vào các quy hoạch, kế hoạch của Trung ương, các Bộ, ngành để nêu rõ những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và các kiến nghị; nêu bật được trách nhiệm của thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục kiến nghị để Chính phủ đề xuất trước Quốc hội triển khai giám sát, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 và 5 năm thực hiện Luật Thủ đô, trên cơ sở đó xây dựng cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Nội phát triển bền vững.

Thời gian tới, với mục tiêu đạt mức tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 3 năm 2018-2020 đạt trên 7,4%/năm, GRDP/người năm 2020 đạt trên 126 triệu đồng/người/năm, Hà Nội xác định phải nhận diện đầy đủ cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, sinh thái, công nghệ cao.

Đồng thời, để phát triển văn hóa-xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và cả nước, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng, nhân rộng các trường chất lượng cao ở tất cả các bậc học, cấp học; phát triển đồng bộ hệ thống y tế; tăng cường phòng ngừa khắc phục ô nhiễm, khôi phục và bảo vệ môi trường…

Song song với các nhiệm vụ kể trên, Hà Nội cũng đạt mục tiêu hoàn thiện xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, đồng bộ kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ cải tạo và nâng cấp hệ thống cung cấp điện, cấp, thoát nước; tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, hoàn thành chỉ tiêu trên 80% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm 2020…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục