Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm chủ trì, quyết định phương án phá dỡ đảm bảo an toàn kết cấu chịu lực, công năng sử dụng cho phần công trình còn lại của tòa nhà 8B Lê Trực sau khi phá dỡ và đảm bảo an toàn công trình lân cận.
Đây cũng chính là một trong những nội dung công văn phúc đáp của Bộ Xây dựng với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về việc phá dỡ phần công trình xây dựng vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực.
Như vậy, vai trò chủ trì, phê duyệt các phương án phá dỡ để đảm bảo an toàn kết cấu chịu lực của tòa nhà sau khi phá dỡ cũng như công năng sử dụng của phần còn lại tại công trình 8B Lê Trực sẽ do Thành phố Hà Nội quyết định.
Bộ Xây dựng cũng giao Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) phối hợp với Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội và Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình tham gia ý kiến trong quá trình đánh giá phương án phá dỡ.
[Lo ngại "cắt ngọn" làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình 8B Lê Trực]
Theo Bộ Xây dựng, việc thực hiện và báo cáo kết quả của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội được chuyển về Bộ Xây dựng thông qua Thanh tra Bộ Xây dựng.
Trước đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã có Công văn số 4384/UBND-ĐT ngày 8/9/2017 gửi Bộ Xây dựng với kết quả đã xử lý xong tầng 19 Tòa nhà 8B Lê Trực và đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ mời thêm các nhà khoa học, các chuyên gia có kinh nghiệm nghiên cứu đánh giá góp ý phương án phá dỡ nhắm đảm bảo tính khả thi phù hợp với điều kiện thực tế công trình.
Hiện việc xử lý các sai phạm tại dự án số 8 Lê Trực vẫn chưa dứt điểm và tiếp tục thu hút sự quan tâm theo dõi của dư luận./.