Hà Nội chủ động kết nối, hợp sức 'kéo khách' đến Thủ đô

Hà Nội chủ động kết nối với hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp du lịch, đơn vị dịch vụ hàng không, đường sắt, ôtô, khách sạn, lữ hành xây dựng sản phẩm kích cầu, quảng bá, xúc tiến, thu hút du khách.
Phun khử khuẩn tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, cũng là thời điểm mà cơ hội mở ra cho ngành du lịch Hà Nội cũng như cả nước trong việc thúc đẩy khả năng đi du lịch của người dân, sau một thời gian dài trầm lắng.

Nắm bắt cơ hội đó, ngành du lịch Hà Nội cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố cùng hợp sức "kéo" khách du lịch đến với Thủ đô.

Đa dạng sản phẩm, giảm giá tour

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và cũng là ngành trao đổi khách hai chiều, nhưng thực tế cho thấy, lượng khách đi luôn chiếm tỷ trọng lớn so với đón khách đến Thủ đô.

Chính bởi vậy, năm nay thành phố Hà Nội có thông điệp rõ ràng: tập trung đón khách vào Hà Nội, thực hiện giải pháp để khách lưu trú tại Hà Nội lâu hơn.

Trước thực tế đó, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ động kết nối với hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp du lịch, đơn vị dịch vụ hàng không, đường sắt, ôtô, khách sạn, lữ hành, điểm đến..., hưởng ứng xây dựng sản phẩm kích cầu du lịch, đồng thời triển khai quảng bá, xúc tiến, thu hút khách du lịch.

[Hà Nội triển khai giải pháp thúc đẩy mức chi tiêu của du khách]

Đa phần các doanh nghiệp đều hưởng ứng trên tinh thần liên kết chặt chẽ với nhau và liên kết chặt chẽ với các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch, các điểm đến nhằm tạo ra những tour tốt, giá cả thấp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Một trong những yếu tố hấp dẫn của du lịch ở thời điểm này chính là sự mới lạ, đa dạng của các tour.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành Thủ đô đã xây dựng các sản phẩm mới như: Tour Hỏa Lò về đêm, tham quan Thăng Long Tứ trấn, đình Chèm-chùa Bồ Đề-Bát Tràng-Hà Nội, đền Sóc-làng hoa Mê Linh và các tour kết nối Hà Nội với các địa phương như: Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai...

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, cho biết du khách có thể đã đến Thủ đô nhiều lần, nhưng với những sản phẩm công ty mới xây dựng sẽ đem đến những trải nghiệm khác biệt. Đó là cảm nhận về những giá trị lịch sử, văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến một cách nhẹ nhàng, thoải mái nhưng sâu lắng.

Ví dụ, tour 3 ngày 2 đêm, trong đó 2 đêm ngủ tại khách sạn 5 sao Sofitel Legend Metropole tại Hà Nội và chương trình đi bộ tham quan Thủ đô Hà Nội gồm: Bảo tàng Lịch Sử quốc gia Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội, Con đường lịch sử khách sạn Metropole, Di tích Lịch sử Cách mạng Bắc Bộ Phủ.

Tour 3 ngày 2 đêm, trong đó 2 đêm ngủ tại khách sạn 4-5 sao tại Hà Nội và chương trình tham quan, tìm hiểu lịch sử nghìn năm Thăng Long-Hà Nội gồm: Bảo tàng lịch sử quốc gia và Di tích Hoàng thành Thăng Long…

Nhiều doanh nghiệp khác cũng triển khai nhiều tour du lịch kích cầu hấp dẫn như: tour du lịch chùa Hương giảm 15% giá vé, tour du lịch đền Gióng-Quốc Tử Giám giảm 15% giá vé, tour du lịch khách sạn Sofitel Metropole và City tour giảm 20% giá vé…

Hơn một tuần qua, các công ty du lịch mở bán các tour du lịch được du khách nhiệt tình đón nhận, đặc biệt là những tour giá tốt tung ra đến đâu hết đến đó.

Sở Du lịch Hà Nội cũng kết hợp với bốn hãng hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines, đưa ra những sản phẩm rất tốt.

Ví dụ, Vietravel Airlines đưa ra cam kết với Sở mỗi chuyến bay của Vietravel Airlines là dành 25 chỗ giá 0 đồng để các đơn vị lữ hành xây dựng sản phẩm tốt.

Đặc biệt, đường bay thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội, Hà Nội-Đà Nẵng, Hà Nội-Cần Thơ và các điểm khác đến Hà Nội sẽ kích cầu thu hút du khách về Hà Nội.

Từ ngày 16-18/4 tới đây, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố và Sở Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức một lễ hội kích cầu rất lớn để quảng bá hình ảnh du lịch, các sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn để thu hút khách đến với Thủ đô.

Thu hút một cách bền vững

Năm 2021, mục tiêu chính của ngành du lịch Hà Nội vẫn là tập trung vào thị trường nội địa.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2021, hy vọng du lịch Thủ đô có thể phục hồi 50-70% lượng khách nội địa của năm 2019, tương ứng 10 đến 11 triệu khách.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, chia sẻ trước đây, thời gian lưu trú của du khách tại Hà Nội là 1,3 ngày thì năm nay kỳ vọng sẽ vượt lên hơn 2 ngày. Đồng thời, ngành du lịch Hà Nội cũng tăng cường thực hiện các giải pháp đẩy khách du lịch mua sắm, trải nghiệm nhiều hơn.

Bên cạnh chiến dịch kích cầu tạo hiệu ứng lan tỏa đối với tất cả các ngành, lĩnh vực để làm ấm trở lại thị trường du lịch trong năm 2021, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút khách đến với Thủ đô một cách bền vững.

Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong năm nay, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức một số sự kiện lớn như: Lễ hội áo dài, Lễ hội quà tặng, Lễ hội ẩm thực…

Năm 2021, mục tiêu chính của ngành du lịch Hà Nội vẫn là tập trung vào thị trường nội địa. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Hiện nay, Sở đã xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện. Đặc biệt, Sở Du lịch Hà Nội triển khai, làm mới những điểm đến truyền thống như: xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa, sinh hoạt, cảnh quan tại Làng cổ Đường Lâm; các làng nghề truyền thống; kết hợp với quận Tây Hồ tăng chất lượng dịch vụ cũng như trải nghiệm ở phố đi bộ Trịnh Công Sơn; hoàn thiện các điểm tham quan khu vực Tây Hồ…

Bên cạnh việc đầu tư làm mới sản phẩm, ngành du lịch phối hợp với các điểm đến đầu tư đồng bộ các dịch vụ du lịch để du khách có những trải nghiệm tốt hơn, cảm thấy hài lòng hơn tại các điểm đến, như: Bày bán quà tặng du lịch, điểm check in…

Sở Du lịch Hà Nội cũng khích lệ tất cả những điểm đến kết nối với nhau để tạo ra sản phẩm mới và mục đích cuối cùng là mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách, để du khách tiếp tục đến với Thủ đô.

Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ kết hợp với các quận, huyện, các điểm đến và các đơn vị lữ hành để xây dựng những điểm đến thực sự có chất lượng hấp dẫn.

Nguồn nhân lực của ngành du lịch năm vừa qua vô cùng khó khăn do họ chuyển đổi sang các ngành khác rất nhiều. Đây thực sự là bài toán của ngành du lịch bởi vì muốn nâng cao chất lượng hoạt động du lịch thì phải có nguồn nhân lực tốt.

Bởi vậy, ngành du lịch Hà Nội có kế hoạch đào tạo lại, tập huấn đối với các đơn vị trong ngành. Điều này các doanh nghiệp du lịch hưởng ứng rất mạnh mẽ, có sự đào tạo lại và kêu gọi những nhân lực đã làm việc, công tác lâu năm quay trở lại.

Cùng với việc tập trung vào thị trường nội địa, hút khách đến với Thủ đô, ngành du lịch đang chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện để đón du khách quốc tế ngay khi có thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục