Ngày 31/7, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Bắc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì đã làm việc với thành phố Hà Nội để bàn các giải pháp chủ động sản xuất, điều tiết, kết nối cung-cầu hàng hóa, lương thực, thực phẩm; nắm bắt khả năng cung ứng hàng hóa nông sản-thực phẩm, việc sản xuất nông nghiệp và kết nối, cung ứng hàng hóa nông-lâm-thủy sản giữa Hà Nội và các địa phương phục vụ người dân trên địa bàn thủ đô trong phòng chống dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trên địa bàn hiện có khoảng 400 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản; trong đó có 235 doanh nghiệp, còn lại là các cơ sở có quy mô hợp tác xã, gia đình, cá thể.
Các doanh nghiệp tham gia chế biến ba sản phẩm chủ lực là thịt (42,6%), thủy sản (26,7%), rau quả (33,7%) với tổng sản lượng cung cấp khoảng trên 1.000 tấn/tháng, trong khi nhu cầu về sản phẩm chế biến của Hà Nội hiện là 5.165 tấn, chủ yếu nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, nhu cầu gạo của người dân Hà Nội trong một tháng khoảng 92.970 tấn, trong khi sản lượng sản xuất trong 1 vụ của Hà Nội khoảng 338.028 tấn/vụ (trung bình khoảng 56.338 tấn/tháng), đáp ứng được 65,6% nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Sản lượng thịt lợn xuất chuồng khoảng 17.500 tấn/tháng, trong khi nhu cầu của Hà Nội là 18.594 tấn/tháng, đáp ứng 94,1% nhu cầu, cần cung cấp từ bên ngoài thành phố 1.094 tấn/tháng.
Đối với mặt hàng thịt gia cầm, sản lượng xuất chuồng của Hà Nội trong 1 tháng là 10.671 tấn, trong khi nhu cầu là 6.198 tấn/tháng...
[Hà Nội: Hàng hóa dồi dào, giá ổn định trong tuần đầu giãn cách xã hội]
Nhìn chung đến nay tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội tương đối ổn định, ngoại trừ một số kênh tiêu thụ như trường học, bếp ăn tập thể, nhà hàng, kinh doanh dịch vụ ăn uống... do phải nghỉ hoặc hạn chế hoạt động do tình hình COVID-19 nên cũng ảnh hưởng một phần đến các cơ sở sản xuất, phân phối thực phẩm.
Bà Nguyễn Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng đến nay không xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ dù sức mua tăng khoảng 30%, hàng hóa vẫn đảm bảo đủ cho người dân.
Tuy nhiên, trong tình huống xấu, số lượng F0 tăng cao, các địa phương cung ứng thực phẩm cũng phải giãn cách thì việc vận chuyển nông sản từ các địa phương về Hà Nội có thể khó khăn.
Do đó, Sở Công Thương thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tập kết hàng hóa về các kho ở Hà Nội để chủ động hàng hóa, đồng thời giao cho các quận, huyện chủ động nguồn hàng hóa theo phương châm 4 tại chỗ.
Hiện nay, Hà Nội có 29 trung tâm thương mại, 127 siêu thị chủ yếu tập trung tại các quận nội thành; 458 chợ; trong đó, có hai chợ đầu mối nông sản gồm chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai và một số chợ có tính chất đầu mối; trên 1.800 cửa hàng tiện ích, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 128 chuỗi kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, hiện nay, tình hình sản xuất nông nghiệp của Hà Nội tương đối ổn định. Khó khăn chủ yếu đối với nguồn cung các sản phẩm nông sản hàng hóa thực phẩm chủ yếu ở khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội.
Các xe vận chuyển tiêu thụ nông sản khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ phải tuân thủ kiểm dịch, kiểm tra nhiều tại các chốt. Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa khó khăn do nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu lái xe khi đi ra từ vùng dịch phải thực hiện cách ly nên đã khiến các thương lái tại các tỉnh lo ngại khi thu mua nông sản.
Để tháo gỡ khó khăn cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết ngày 30/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã ký Quyết định số 3430 về việc thành lập “Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Bắc trong điều kiện dịch COVID-19.”
Thử trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho việc lưu thông, cung ứng các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, Tổ công tác còn có nhiệm vụ xây dựng phương án đảm bảo an toàn cao nhất trong khu vực sản xuất để thúc đẩy sản xuất, chế biến tại các địa phương chưa bị hoặc nguy cơ bị dịch bệnh chưa cao; cung ứng kịp thời lương thực, thực phẩm cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16./.