Hà Nội: Chủ động các phương án bảo đảm an toàn cho người dân do mưa bão

Lãnh đạo Hà Nội lưu ý các đơn vị tính toán kỹ hơn đến việc tái định cư cho các hộ dân sống ở khu vực ven sông thường xuyên bị ảnh hưởng, có phương án di dời bằng các cơ chế đặc thù của Thủ đô.
Nước lũ dâng cao gây ngập lụt tại khu vực đường 70, Thanh Trì, Hà Nội. (Ảnh: Minh Hiếu/TTXVN)

Tại cuộc họp trực tuyến với các sở, ngành, địa phương về công tác ứng phó với mưa bão, lũ lớn trên các sông trên địa bàn Hà Nội ngày 10/9, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục chủ động từ sớm, từ xa, thực hiện đúng phương án 4 tại chỗ để giảm thiểu thiệt hại đặc biệt về con người.

Nhiều diện tích lúa, rau màu bị ngập

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, mực nước tại một số sông và các trục tiêu lớn trên địa bàn thành phố đang ở mức cao. Đơn cử, sông Bùi tại Yên Duyệt đạt báo động III từ 17h ngày 09/9; sông Cầu tại Lương Phúc đạt báo động III từ 22h40’ ngày 09/9; sông Cà Lồ tại Mạnh Tân đạt báo động II từ 20h20’ ngày 09/9.

Mực nước các hồ chứa nước chính trên địa bàn Hà Nội đang ở mức cao, hầu hết hồ vượt ngưỡng tràn (Suối Hai, Mèo Gù, Tân Xã, Ban Tiện, Kèo Cà, Đồng Quan, Quan Sơn, Văn Sơn..).

Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, tính đến thời điểm 7h ngày 10/9, toàn thành phố có 24.842 ha lúa bị đổ; lúa bị ngập 2.476 ha; rau màu bị ngập, ảnh hưởng 4.046 ha; cây ăn quả bị ảnh hưởng 3.924 ha, thủy sản bị ảnh hưởng 453 ha; nhà màng, nhà lưới bị ảnh hưởng 69.550 m2; gia súc bị chết 29 con; gia cầm chết, thất lạc 37.508 con; cây xanh gẫy đổ 110.133 cây...

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ thông tin sáng nay, mực nước sông Bùi đang trên báo động III, mực nước lũ đã tràn đê Bùi 2 và đê hữu Bùi tại vị trí có cao trình thấp khoảng từ 10-40cm các khu dân cư trong vùng đê bao bảo vệ bị ngập úng khi nước tràn qua đê và dâng cao như xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ. Các khu dân cư ở bãi dọc sông Bùi bị ngập khi nước đang dâng cao.

Tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, do nước dâng xóm Ngoài Đê và xóm Minh Khai thôn Đĩnh Tú có 29 hộ và xóm Bến Vôi thôn Cấn Hạ có 24 hộ (230 nhân khẩu) nước đã ngập đến cổng và sân. Có 6 hộ của xóm Minh Khai nước ngập vào tầng hầm đã di chuyển lên tầng 2. Tại xã Tuyết Nghĩa nước sông tích tràn vào qua tuyến Muôn-Minh Khai, Cổ Hiền-Độ Lân, đã gây ngập úng tầng hầm, bếp đối với 10 hộ dân (47 nhân khẩu)….

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì họp trực tuyến với các sở, ngành, địa phương về công tác ứng phó với mưa bão, lũ lớn trên các sông trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết trên địa bàn xã Cần Kiệm sông Tích dâng làm ngập 27 hộ với 90 nhân khẩu khu vực ngoài đê. Xã Lại Thượng có 17 hộ với 67 nhân khẩu xóm Đò, xóm Bến thôn Lại Thượng bị ngập đường giao thông ngõ xóm. Các hộ dân đã chủ động kê kích tài sản, đồ đạc và khắc phục sinh hoạt, hiện tại chưa có hộ dân nào phải di dời.

Còn tại huyện Ba Vì, lãnh đạo huyện cho hay nhiều diện tích lúa, chuối, thủy sản của huyện đã bị ngập, nhiều diện tích bị mất trắng. Mưa lớn dẫn đến úng ngập cục bộ 1 số địa bàn, đặc biệt là tại xã Vật Lại bị úng ngập 50 hộ dân, hiện chính quyền địa phương đang hỗ trợ các hộ sơ tán đến nơi an toàn.

“Tại xã Minh Châu, 5 tàu neo đậu trên sông Hồng đã làm hư hỏng tuyến đường ống dẫn nước sạch về xã nên huyện đang cho sửa. Huyện Ba Vì kiến nghị, hồ suối Hai mực nước rất cao. Đề nghị thành phố cho phép phân luồng giao thông bờ đập suối Hai để bảo đảm an toàn đập...,” đại diện huyện Ba Vì nêu kiến nghị.

Phải tính toán kỹ hơn đến vấn đề tái định cư

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết Hà Nội chủ động phòng chống cơn bão số 3 rất tốt nên thiệt hại ở mức thấp nhất. Hiện nay, công tác phòng chống lụt bão ở Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát và các địa phương đã rất chủ động.

Để chủ động các phương án, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng huy động lực lượng để xử lý cây xanh với tinh thần nhanh nhất để “bộ mặt” đô thị trở lại như bình thường. Các vấn đề liên quan đến thăm hỏi, động viên các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3, lãnh đạo thành phố giao sở y tế và cấp ủy chính quyền các địa phương chủ trì.

Liên quan đến các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống thiên tai, ông Quyền đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương phải nắm chắc được diễn biến tình hình; triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo từ Trung ương đến thành phố; kiểm tra, rà duyệt lại trang thiết bị vật tư cho phòng chống thiên tai để bảo đảm từ sớm, từ xa, 4 tại chỗ khi cần theo kịch bản.

Nhấn mạnh dự báo tình hình mưa lũ vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Mạnh Quyền lưu ý các địa phương nằm bên sông, đặc biệt là khu vực vùng bãi Hồng, nhiều hộ dân canh tác hoa màu; không loại trừ các tình huống nước dâng lên cao nhưng người dân tiếc của, cố thu hoạch nông sản sẽ rất nguy hiểm. Do đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương hỗ trợ người dân để thu hoạch nông sản, bảo đảm an toàn cao nhất về con người.

Ngập lụt tại khu vực ngoài bãi Phúc Xá. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Đối với các địa phương như: Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai thường xuyên bị ngập lụt do lũ rừng ngang và nước sông Bùi, sông Tích dâng cao; một số khu dân cư ven sông Hồng, ông đề nghị cần có phương án di dời gia súc, gia cầm và cả người khi có nguy cơ ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Hà Nội lưu ý các địa phương tiếp tục chủ động hơn nữa các phương án khi tình huống nước trên các sông vẫn lên thì di chuyển gia súc, gia cầm; di dân một phần hoặc di dân toàn bộ. Tại các huyện Chương Mỹ và Quốc Oai, chủ động các phương án khi nước lên cao di dời toàn bộ người dân.

“Các địa phương nơi sông Hồng đi qua cần chủ động tuyên truyền để người dân nắm được tình hình mưa lũ để không bị động, bất ngờ; chủ động các phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai có đồi núi cao, khi có nguy cơ sạt lở phải di dời dân ngay," ông Quyền lưu ý.

Về lâu dài, lãnh đạo thành phố lưu ý các sở, ngành, quận, huyện phải tính toán kỹ hơn đến các vấn đề như việc tái định cư cho các hộ dân sống ở khu vực ven sông thường xuyên bị ảnh hưởng, có phương án di dời bằng các cơ chế đặc thù của Thủ đô để bà con ổn định đời sống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục