Hà Nội chính thức kéo dài giãn cách xã hội đến 6 giờ ngày 23/8
Hà Nội chính thức giãn cách xã hội thêm 15 ngày để chống COVID-19
Lãnh đạo thành phố Hà Nội quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến 6 giờ ngày 23/8 để phòng, chống dịch COVID-19.
Xuân Quảng
Sau khi Chỉ thị 17 của Hà Nội được ban hành, lực lượng chức năng đã lập nhiều chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 tại các con đường, khu dân cư, cổng làng trên địa bàn thành phố nhằm kiểm tra những người ra ngoài không cần thiết. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hà Nội tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến 6 giờ ngày 23/8 để phòng chống dịch COVID-19.
Đây là nội dung tại công điện số 18/CĐ-UBND do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ngày hôm nay (6/8.)
Trước đó, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn toàn thành phố trong vòng 15 ngày (kể từ 6 giờ ngày 24/7) để phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố và các địa phương trên cả nước vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường; số ca mắc trong cộng đồng vẫn cao và chưa rõ nguồn lây, nhiều ca không có biểu hiện dịch tễ.
Theo đánh giá, sau 14 ngày thực hiện giãn cách xã hội, thành phố đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố và các địa phương trên cả nước đang diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc trong cộng đồng còn cao.
Kể từ 6h ngày 24/7 đến 18h ngày 6/8, Hà Nội đã ghi nhận thêm 980 ca mắc mới COVID-19 trong đó có những ổ dịch xuất hiện tại chợ dân sinh, chợ đầu mối, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, công ty cung ứng thực phẩm... Nhiều trường hợp nguyên phát từ sàng lọc ho sốt tại cộng đồng...
Đặc biệt, trông quá trình triển khai CT17, một số chính quyền cơ sở quận, huyện, phường, xã... còn lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt và thiếu sáng tạo, nhất là việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chưa thực chất, chưa hiệu quả.
Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn lơ là, chủ quan, chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội, vẫn còn tình trạng đông người đi lại trên đường, tại các chợ, siêu thị... ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn khi chủng vi rút Delta có tốc độ lây nhiễm rất cao, nhanh và nguy hiểm...
Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội yêu cầu cần phải nghiêm túc thực hiện giãn cách theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.
Thành phố yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.
Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng...
- Sự khác nhau giữa Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ:
Vào ngày 29/7, Hà Nội đã ban hành văn bản 2434/UBND-KT về việc thống nhất mẫu giấy tờ sử dụng cho một số đối tượng đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội, nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh.
Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố; chỉ bố trí cán bộ trực cơ quan và xử lý tài liệu mật, các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền mới đến làm việc tại cơ quan, còn lại làm việc trực tuyến…
Tại Hà Nội, tính từ ngày 29/4 đến trưa 6/8 đã có 1.599 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 953 trường hợp tại cộng đồng và 631 trường hợp tại khu cách ly.
- Tính riêng từ ngày 5/7 đến nay, Hà Nội có 1.099 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó từ thời điểm bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội từ 24/7 đến nay, sau 13 ngày, số ca mắc COVID-19 là 980 ca.
Cụ thể:
- Chùm ca bệnh liên quan đến Thành phố Hồ Chí Minh: 99 - Chùm ca bệnh liên quan đến Bắc Giang: 106 - Chùm ca bệnh liên quan đến Bắc Ninh: 19 - Chùm ca bệnh liên quan đến B6 Trại Găng (Hai Bà Trưng): 34 - Chùm ca bệnh liên quan đến Bùi Thị Xuân (Hai Bà Trưng): 43 - Chùm ca bệnh liên quan đến Tân Mai, Hoàng Mai: 108 - Chùm ca bệnh liên quan đến Nguyễn Khuyến, Đống Đa: 82 - Chùm ca bệnh liên quan đến nhà thuốc Đức Tâm: 108 - Ca bệnh phát hiện qua ho sốt tại cộng đồng thứ phát: 530 - Chùm ca bệnh liên quan đến Công ty thực phẩm Thanh Nga: 42 - Ca bệnh sàng lọc ho sốt tại cộng đồng (nguyên phát): 85 - Chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Phổi Hà Nội: 74 - Số ca đã được kiểm soát: 269
Trước diễn biến của dịch bệnh, ông Chu Ngọc Anh yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn Chỉ thị số 17/CT-UBND đối với địa bàn có nguy cơ cao
Đối với người ở tỉnh, thành khác vào Hà Nội làm việc, lao động trong các cơ quan, đơn vị được phép hoạt động, cần có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo mẫu tại văn bản 2434/UBND-KT.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kêu gọi mọi người dân Thủ đô cùng chung tay thực hiện, chia sẻ, tự giác chấp hành nghiêm nguyên tắc giãn cách xã hội để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo CDC Hà Nội, số ca mắc tăng lên chứng tỏ Hà Nội đã đánh giá đúng nguy cơ và đã rà soát đúng các đối tượng. Phải ít nhất sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội thì số ca mắc mới có thể sẽ giảm dần.
Nhận định dịch bệnh diễn biến rất khó lường, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp, chưa xác định nguồn lây, Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành triển khai nghiêm túc các giải pháp cấp bách.