Hà Nội: Chính quyền cơ sở "căng mình" rà soát và cấp Giấy đi đường

Với nhiều địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp đông, Ủy ban Nhân dân phường phải bố trí làm thêm giờ để phục vụ người dân và doanh nghiệp đến xin xác nhận Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.
Hà Nội: Chính quyền cơ sở "căng mình" rà soát và cấp Giấy đi đường ảnh 1Tiếp nhận và cấp giấy đi đường cho người dân tại Ủy ban Nhân dân phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Thực hiện theo văn bản số 2562/UBND-KT ngày 7/8 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành yêu cầu siết chặt việc cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6/8 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố,  số lượng người đến các Ủy ban Nhân dân phường xin Giấy đi đường tăng đột biến.

Theo thông tin từ một số phường trên địa bàn Hà Nội, sau khi có văn bản 2353/UBND-KT của Ủy ban Nhân dân thành phố do số lượng người đến xin Giấy đi đường tăng đột biến so với tuần trước nên các phường phải huy động tối đa các cán bộ để thực hiện việc xác nhận và đóng dấu theo quy định của pháp luật.

[Hà Nội: Câu chuyện giấy đi đường cần thống nhất cách hiểu và thực hiện]

Đặc biệt, với những phường có tỷ lệ doanh nghiệp đóng trên địa bàn đông thì việc này đòi hỏi các cán bộ đều phải "căng mình" làm thông trưa và xác định làm ngoài giờ để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Ông Trần Nam Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cho biết tính đến đầu giờ chiều nay, các cán bộ phường đã xác nhận Giấy đi đường cho hơn 50 đơn vị, doanh nghiệp, với khoảng 1.200 giấy.

Bên cạnh đó, để đảm bảo giãn cách, ông Sơn thông tin sau khi tiếp nhận các hồ sơ từ các cơ quan, đơn vị gửi lên, Ủy ban phường sẽ hẹn thời gian cũng như thực hiện giãn cách để trả hồ sơ trong thời gian nhanh nhất. 

[Siết chặt cấp và sử dụng Giấy đi đường thời gian thực hiện giãn cách]

Ngoài ra, phường Vĩnh Tuy đã chuyển lên trang thông tin điện tử phường để tuyên truyền đến mọi địa bàn dân cư thông qua các nhóm zalo của các bí thư chi bộ, hộ kinh doanh… đồng thời hướng dẫn người dân, doanh nghiệp khi đến xác nhận cần có những giấy tờ gì.

Hà Nội: Chính quyền cơ sở "căng mình" rà soát và cấp Giấy đi đường ảnh 2Người dân chờ lấy Giấy đi đường tại phường Trần Hưng Đạo lúc 17 giờ ngày 9/8 (Ảnh: Tùng Lâm/Vietnam+)

“Chúng tôi chia ca trực từ 7h30 đến 21h để tạo thuận lợi tối đa người dân, doanh nghiệp; đồng thời bảo đảm giãn cách trong phòng, chống dịch cũng như tránh tình trạng quá tải khi người dân đến xếp hàng đông,” ông Trần Nam Sơn nói.

Còn trên địa bàn phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng có tổng cộng hơn 40 đơn vị, doanh nghiệp đang đóng trụ sở, thuộc đối tượng cần chính quyền địa phương xác nhận giấy đi đường cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thời gian giãn cách xã hội theo quy định, chủ yếu là doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu và đơn vị hành chính sự nghiệp.

Theo đại diện Ủy ban Nhân dân phường Phố Huế, tính đến trưa nay (9/8), phường phường đã xác nhận Giấy đi đường cho 3 đơn vị thuộc quận nằm trên địa bàn phường, với gần 40 giấy xác nhận và trong hôm nay sẽ tiếp tục xác nhận cho một số đơn vị khác. Những đơn vị này chủ yếu xin xác nhận cho cán bộ công chức được phân công lịch trực trong thời gian giãn cách xã hội.

“Chúng tôi chỉ xác nhận trên cơ sở đơn vị có đầy đủ danh sách cán bộ nhân viên, người lao động trực và phương án phòng chống dịch COVID-19,” đại diện phường Phố Huế cho hay.

Việc chống dịch COVID-19 đang ở giai đoạn quyết định, như lời Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thì 15 ngày đầu giãn cách có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng 15 ngày tiếp theo càng có ý nghĩa quan trọng, quyết định hơn.

“Nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và toàn thể người dân Thủ đô lúc này là chấp hành nghiêm nguyên tắc "người cách ly với người", "gia đình cách ly với gia đình,” kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu ở yên đấy,” Bí thư Thành ủy nêu rõ./.

Theo quy định tại văn bản 2562, ngoài Giấy đi đường theo mẫu đã ban hành ngày 29/7, người đi đường phải xuất trình kèm theo căn cước công dân/chứng minh thư; lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Lãnh đạo thành phố giao Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường trên nguyên tắc chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn.

Cụ thể, đối với các Tập đoàn, Tổng công ty; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn thành phố: phối hợp Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo).

Đối với các Khu, Cụm công nghiệp, chính quyền địa phương chủ động phối hợp các Chủ doanh nghiệp thống nhất phương án tổ chức thực hiện giám sát nơi đi hoặc nơi đến phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với các Chợ, Ban Quản lý chợ lập danh sách tiểu thương và những người liên quan duy trì hoạt động của chợ đảm bảo theo phương án giãn cách, giảm quầy hàng theo quy định.

"Trên cơ sở danh sách do các Ban Quản lý chợ cung cấp, Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn kiểm tra, xác nhận và gửi lại cho Ban Quản lý chợ để cấp cho tiểu thương và người có liên quan sử dụng," công văn nhấn mạnh.

Lãnh đạo thành phố cũng lưu ý các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tạm dừng hoạt động: phối hợp Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo) cho nhân viên trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại đơn vị.

"Việc triển khai cấp hoặc xác nhận liên quan đến Giấy đi đường trong thời gian giãn cách, Ủy ban Nhân dân các xã, phường thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn, thông báo các tổ chức, cá nhân thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, đảm bảo giãn cách, không tập trung đông người và thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19," công văn 2562 yêu cầu rõ

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục