Hà Nội chỉ ra nguyên nhân và đưa giải pháp xóa ‘xe dù, bến cóc’

Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý kinh doanh vận tải, khắc phục tồn tại trong quản lý xe hợp đồng, “xe dù, bến cóc”.
Tình trạng xe dù, xe cóc vẫn tiếp tục tái diễn ở dọc các tuyến đường qua khu vực bến xe Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội vừa chỉ ra hàng loạt các nguyên nhân dẫn tới tình trạng “xe dù, bến cóc” đồng thời đưa ra các giải pháp xử lý triệt để vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, trong quá trình hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách đã phát sinh một số các vi phạm phổ biến như xe hợp đồng, xe du lịch thực hiện dừng đón trả khách không đúng nơi quy định; đặc biệt đối với loại hình xe từ 10 chỗ ngồi trở lên có hiện tượng vi phạm về công tác ghép chuyến, đặt chỗ cho khách, không có hợp đồng vận chuyển.

Các xe khách tuyến cố định chạy “rùa bò” tại các tuyến đường khu vực bến xe, dừng đỗ đón trả khách và bốc xếp hàng hoá không đúng nơi quy định, mở chửa khi xe đang chạy, phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách, vi phạm tốc độ…

Để xảy ra tình trạng trên ngoài lỗi chủ quan do công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng chưa thực sự quyết liệt, chưa thường xuyên, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cũng chỉ ra còn có khá nhiều nguyên nhân khách quan.

Cụ thể, hạ tầng giao thông và hạ tầng bến xe chưa được đầu tư đồng bộ, tổ chức vận hành bến xe chưa khoa học; chưa có quy hoạch, bố trí hạ tầng đủ để phục vụ hoạt động kinh doanh vận tải, đặc biệt với xe hợp đồng; việc đầu tư mới các bến xe khách liên tỉnh còn chậm.

Đáng chú ý, về chính sách, việc phân loại loại hình kinh doanh trong Luật Giao thông đường bộ 2008 không còn phù hợp với thực tế phát triển vận tải đường bộ. Xe tuyến cố định và xe hợp đồng, xe taxi với xe hợp đồng dưới 9 chỗ có cùng phân khúc khách hàng, điều kiện kinh doanh khác nhau nhưng hoạt động tương tự nhau nên đã tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho quản lý.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý kinh doanh vận tải chưa hoàn thiện, hệ thống thiết bị giám sát hành trình chỉ xử lý được hành vi vi phạm tốc độ, vi phạm thời gian làm việc; các quy định thu hồi phù hiệu, biển hiệu chưa hiệu quả, phụ thuộc vào tính tự giác của doanh nghiệp; chưa có chế tài đủ mạnh mẽ với các đơn vị vi phạm nhiều lần…

[Hà Nội quyết liệt xóa bỏ tình trạng xe dù, bến cóc gây bức xúc dư luận]

Nhằm siết chặt loại hình kinh doanh vận tải, Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý kinh doanh vận tải, khắc phục tồn tại trong quản lý xe hợp đồng, tránh để doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chạy xe trá hình, lập “xe dù, bến cóc”.

Thành phố Hà Nội tiếp tục đề xuất lắp đặt camera giám sát tại các tuyến đường trọng điểm, khu vực bến xe để lực lượng chức năng kiểm tra, theo dõi, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý các xe vi phạm tốc độ, thời gian làm việc của lái xe, hành trình chạy xe…

Lực lượng chức năng lập biên bản lỗi dừng đỗ đón khách ngoài bến. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra các hoạt động đón, trả khách trên địa bàn; quận, huyện phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng bến, bãi đón trả khách không đúng quy định. 

Sở giao thông vận tải kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất Bộ Giao thông Vận tải tham mưu với Chính phủ nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ theo hướng phân biệt rõ giữa các loại hình vận tải, không để đơn vị vận tải và lái xe lợi dụng để lách luật; sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 năm 2019, Nghị định 123 năm 2021 của Chính phủ quy định xử lý triệt để các hành vi vi phạm về sử dụng ôtô kinh doanh vận tải hành khách dừng, đỗ tại văn phòng đại diện để bốc xếp, hàng hóa;

Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 10 năm 2020 của Chính phủ theo hướng giao cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện đơn vị kinh doanh vận tải có vi phạm, tái vi phạm nhiều lần về quy định và điều kiện kinh doanh vận tải thì thực hiện biện pháp tạm thời dừng cấp mới, cấp đổi phù hiệu, biển hiệu, cấp lại cấp đổi giấy phép kinh doanh, yêu cầu đơn vị vận tải báo cáo khắc phục. Trường hợp đơn vị vận tải không thực hiện sẽ thu hồi phù hiệu, biển hiệu, giấy phép đã cấp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục