Hôm nay (9/8), Thủ đô bước vào ngày đầu tiên của đợt giãn cách xã hội tiếp theo (15 ngày) theo Công điện số 18/CĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội dựa trên tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của Hà Nội: "Thành phố quyết định thực hiện tiếp Chỉ thị số 17/CT-UBND đến 6 giờ ngày 23/8/2021.
Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong 15 ngày tiếp tục giãn cách xã hội là phải thực hiện quyết liệt, thực chất hơn nữa. Thành phố tiếp tục giao quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình có thể áp dụng mức cao hơn Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.”
Theo ông Phong, việc thực hiện giãn cách xã hội để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, cũng như kiểm soát sự lưu thông của người dân được thực hiện theo nguyên tắc “chỉ ra đường khi thật cần thiết,” thì việc áp dụng giấy đi đường là một cách có hiệu quả thực tế. Tuy nhiên, câu chuyện về giấy đi đường cần thống nhất trong cách hiểu và thực hiện.
Cách hiểu và áp dụng không đồng nhất
Mặc dù Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành mẫu Giấy đi đường chung trên toàn địa bàn nhưng thực tế triển khai đang có nhiều khúc mắc do cách hiểu và cách áp dụng tại mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng như tại các chốt kiểm soát không đồng nhất. Theo đó, có nơi rất nguyên tắc, nhưng cũng có nơi “sáng tạo” thậm chí buông lỏng.
Việc cấp Giấy đi đường chặt hay lỏng phụ thuộc vào quan niệm, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Song rõ ràng, trong những ngày cuối của đợt giãn cách đầu tiên theo Chỉ thị 17/CT-UBND mà vào giờ cao điểm đường phố ở Hà Nội vẫn có khá đông người, xe qua lại thì hiệu quả giãn cách xã hội bị hạn chế và hiệu lực của Giấy đi đường chưa nghiêm.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá, vẫn còn tình trạng cấp giấy không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, cán bộ đi làm khi công việc chưa cấp bách.
Trước thực tế này, có ý kiến đề xuất giải pháp là mỗi cơ quan, đơn vị cần có bản báo cáo về tổng số cán bộ, nhân viên và lên phương án làm việc ở những vị trí thiết yếu, cấp bách, từ đó lập danh sách đi làm theo ngày, theo ca.
Dựa trên danh sách này, cơ quan, đơn vị sẽ cấp giấy đi đường theo nhiệm vụ được phân công. Danh sách cũng được gửi cho chính quyền sở tại và các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên, đột xuất tại các phòng, ban để rà soát đối tượng theo danh sách.
Giấy đi đường có xác nhận chính quyền có thật sự cần thiết?
Ngày 7/8, Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) ban hành văn bản số 1338/UBND-VP về việc tăng cường kiểm soát người tham gia giao thông trong thời gian giãn cách xã hội. Theo đó, quận này đề xuất phương án cấp bách là Giấy đi đường cần có sự xác nhận của chính quyền phường sở tại.
Cách làm của quận Hai Bà Trưng gây nhiều ý kiến trái chiều, nhất là từ phía các doanh nghiệp.
Để giải quyết những khúc mắc về Giấy đi đường, ngày 7/8, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Công văn số 2562/UBND-KT về việc siết chặt việc cấp và sử dụng Giấy đi đường trong 15 ngày giãn cách xã hội tiếp theo.
Theo quy định tại văn bản 2562/UBND-KT, người tham gia lưu thông phải có Giấy đi đường theo đúng mẫu đã được ban hành ngày 29/7 của Ủy ban Nhân dân thành phố. Đồng thời cần phải xuất trình căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân kèm đó là lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Lãnh đạo thành phố giao Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường trên nguyên tắc chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn.
Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, cho biết do yêu cầu mới liên quan đến xác nhận của địa phương nên trong sáng nay các cán bộ của phường phải làm việc hết công suất, vừa để giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc cấp Giấy đi đường cũng như xác nhận cho các trường hợp theo hướng dẫn của thành phố, đảm bảo đúng đối tượng và quy định trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Công văn số 2562/UBND-KT cũng nêu rõ: Đề nghị các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương đóng trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/CT-UBND và Công điện số 18/CĐ-UBND, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà; chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp trong trường hợp thực sự cần thiết như: trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp thiết khác theo yêu cầu nhiệm vụ.
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đoàn thể thuộc thành phố, người đứng đầu có trách nhiệm quản lý chặt chẽ cán bộ, nhân viên, cam kết về việc bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên gây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch; không lập kế hoạch hoạt động; phân công công tác; cấp Giấy đi đường không đúng đối tượng và sử dụng Giấy đi đường sai mục đích.
Như vậy, việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan, công sở, doanh nghiệp ký giấy cho cán bộ, công nhân viên dưới quyền đã được quy định rõ ràng. Việc thêm một "giấy phép con" qua cấp phường sẽ dẫn đến người có nhu cầu lưu thông lại phải thêm một bước tập trung ở phường để hoàn thiện giấy tờ. Điều này vừa tăng thêm việc cho phường và cũng sẽ không đảm bảo quy định về giãn cách, phòng chống dịch bệnh khi số người tập trung quá đông vào một thời điểm.
Cần có giải pháp tránh ùn tắc ở các điểm chốt
Trong Công văn số 2562, để triển khai thực hiện, Ủy ban Nhân dân thành phố giao Công an thành phố, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã siết chặt công tác kiểm tra, giám sát tại các chốt; chỉ đạo, hướng dẫn Công an, Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn; các lưc lượng Tổ tự quản, Tổ (phòng, chống) COVID cộng đồng tăng cường kiểm tra Giấy đi đường tại chốt kiểm soát theo đúng mục đích, đối tượng.
Với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố về bố trí lịch làm việc trong thời gian giãn cách các chốt cần nhắc nhở hoặc kiến nghị xử lý.
Khi phát hiện các trường hợp sử dụng Giấy đi đường không đúng mục đích thì thông tin đến Công an xã, phường, thị trấn, nơi có đơn vị, tổ chức cấp Giấy đi đường để kiểm tra, đối chiếu, có biện pháp chấn chỉnh và kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định...
Sáng 9/8, nhiều trường hợp bị nhắc nhở vì không cung cấp đủ giấy tờ trong ngày đầu Hà Nội thực hiện lệnh siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo văn bản số 2562/UBND-KT của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố.
Ghi nhận tại một số chốt trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm và Hoàng Mai cho thấy, ngay đầu giờ sáng, các chốt trực đã triển khai lực lượng để kiểm tra lưu lượng phương tiện tham gia giao thông.
Với những trường hợp chưa làm kịp các giấy tờ bổ sung theo quy định sẽ được lực lượng chức năng nhắc nhở; còn các trường hợp không mang theo giấy tờ đi đường hoặc ra đường không đúng sẽ bị xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên, trước thực trạng ùn tắc ở các chốt kiểm tra giấy đi đường vào sáng nay dẫn đến không đủ đảm bảo khoảng cách phòng chống dịch (2m), việc tiếp xúc nhiều người tham gia lưu thông thiếu ý thức lẫn những người ra đường vì công việc của lực lượng giữ chốt khiến người dân lo ngại về việc có lây chéo bệnh trong cộng đồng ở chỗ đông người.
Điều này đặt ra cho các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp hiệu quả dựa trên thực tế triển khai kiểm tra giấy lưu thông vừa đảm bảo quy định về phòng, chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện công điện 18 của Hà Nội./.
Theo quy định tại văn bản 2562/UBND-KT, lãnh đạo thành phố Hà Nội giao Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường trên nguyên tắc chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn, Cụ thể: - Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn thành phố: phối hợp Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo). - Đối với các Khu, Cụm công nghiệp, chính quyền địa phương chủ động phối hợp các Chủ doanh nghiệp thống nhất phương án tổ chức thực hiện giám sát nơi đi hoặc nơi đến phù hợp với tình hình thực tế. - Đối với các chợ, Ban Quản lý chợ lập danh sách tiểu thương và những người liên quan duy trì hoạt động của chợ đảm bảo theo phương án giãn cách, giảm quầy hàng theo quy định. Trên cơ sở danh sách do các Ban Quản lý chợ cung cấp, Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn kiểm tra, xác nhận và gửi lại cho Ban Quản lý chợ để cấp cho tiểu thương và người có liên quan sử dụng. - Đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tạm dừng hoạt động, lãnh đạo thành phố yêu cầu phối hợp Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo) cho nhân viên trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại đơn vị. |