Hà Nội cần tập trung đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu đơn vị cần nỗ lực và đẩy nhanh tiến độ hơn nữa nhằm sớm đưa dự án đường sắt đô thị đi vào khai thác, giảm sức ép cho giao thông nội đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm và làm việc với Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Trong buổi làm việc với Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội ngày 18/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu đơn vị cần nỗ lực và đẩy nhanh tiến độ hơn nữa nhằm sớm đưa dự án đường sắt đô thị đi vào khai thác, giảm sức ép cho giao thông nội đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá các dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt đô thị là các dự án đặc biệt quan trọng mang tính cấp bách. Thành phố đang chịu sức ép về vấn đề ô nhiễm môi trường, giải quyết được vấn đề giao thông thì sẽ góp phần giải quyết ô nhiễm m ôi trường . Vì vậy, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cần có phương án để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.

Hiện nay, dự án đường sắt đô thị đang triển khai khá chậm so với kế hoạch ban đầu. Theo đơn vị quản lý nguyên nhân chậm tiến độ là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi, cây xanh, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng các ga ngầm; công tác đấu thầu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các ràng buộc phức tạp quy chế đấu thầu của Nhà tài trợ; công tác quản lý tư vấn hợp đồng còn nhiều bất cập; kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ; vướng mắc kéo dài trong đấu thầu các gói thiết bị.

Theo Bí thư Thành ủy, hiện dự án có bốn đoạn tuyến được triển khai, nhánh 2A được 96%, còn đoạn Nhổn - ga Hà Nội được trên 30%. Nếu nỗ lực hết sức, nếu cả bốn dự án này được triển khai thì đến năm 2020 mới có được 75km, chiếm 20% tổng số chiều dài tuyến, đến 2030 đáp ứng được 30% .

Việc chậm tiến độ không chỉ do những nguyên nhân kể trên mà còn do sự thiếu chuyên nghiệp của cán bộ trong Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội và sự phối hợp giữa các đơn vị từ Ủy ban đến các sở, ngành và Ban chưa tốt dẫn đến việc giải quyết các công việc chưa nhanh.

Bí thư Thành ủy đề nghị các đơn vị cần nhìn ra những hạn chế để khắc phục, các công việc cần kỹ càng chi tiết, phân công công việc cho từng người chịu trách nhiệm.

Theo kế hoạch, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội có bốn dự án chuẩn bị đầu tư và ba dự án chuẩn bị báo cáo Quốc hội (tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo-Thượng Đình; đoạn Nội Bài-Nam Thăng Long; tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn ga Hà Nội-Hoàng Mai).

Bí thư Hoàng Trung Hải yêu cầu với những báo cáo chuẩn bị trình Quốc hội, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cần rà soát lại kỹ từng chi tiết, từng công đoạn sớm trình Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét duyệt, phối hợp với Bộ giao thông để làm trước khi trình Quốc hội.

Bí thư Thành ủy đề nghị Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cần nghiên cứu để đề xuất cơ chế đặc thù cho dự án; Ban chỉ đạo của Thành phố cần nghiên cứu tờ trình, trình Ban chỉ đạo của Trung ương để sớm có biện pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ. Nếu tiến độ dự án còn tiếp tục chậm thì không thể đáp ứng được tiến độ đô thị hóa đang rất nhanh.

Tuyến Hòa Lạc , tuyến số 5 từ vành đai 4 theo hướng cầu Thăng Long ra Hòa Lạc, tuyến Xuân Mai, Nhổn-ga Hà Nội, Nhổn-Trôi là những tuyến cấp bách, vừa tạo khả năng về giao thông lại vừa có thể giãn dân trong đô thị. Người dân sẽ sẵn sàng ra ngoại thành nếu chứng minh được cho họ thấy chỉ mất tối đa khoảng 30 phút là có thể đi vào trung tâm.

Liên quan tới vấn đề nguồn vốn cho dự án, Bí thư Thành ủy có ý kiến trong quá trình chuẩn bị dự án cần tạo ra các nguồn vốn để làm. Muốn tăng cường nguồn vốn cần kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư các đoạn tuyến.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng thì cho rằng đơn vị cần đề xuất lộ trình, phương hướng đầu tư. Nếu ODA, PPP đều có những vướng mắc thì có thể nghiên cứu kết hợp phương án đầu tư. Bên cạnh đó cần có cơ chế để kêu gọi xúc tiến đầu tư quốc tế.

Đơn vị cũng cần t ập trung kiểm soát lại toàn bộ phần thiết kế, tư vấn của dự án. Kiểm soát mọi vấn đề với các đơn vị liên quan; kiểm soát tiến độ thi công của các gói thầu để rút ngắn tiến độ; kiểm soát việc giải quyết của các cơ quan Trung ương và Hà Nội; kiểm soát vốn đầu tư không để thiếu và tập trung kiểm soát chất lượng xây dựng.

Tại buổi làm việc, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh đã đưa ra một số kiến nghị: Ủy ban Nhân dân thành phố lập Ban chỉ đạo dự án tuyến đường sắt đô thị; Ủy ban Nhân dân các quận, huyện cần phối hợp với ban tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách, vốn ODA đầu tư các đoạn còn lại của tuyến 2 và 3 trong giai đoạn 2016-2030 do đây là các tuyến nằm trong vùng lõi trung tâm Hà Nội nơi mật đô dân cư cao, quỹ đất cạn kiệt nên khó kêu gọi đầu tư; phản ánh chỉ giới của đường sắt đô thị và khu vực TOD vào quy hoạch phân khu; thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch, chuẩn bị quỹ đất sạch cho xây dựng dự án...

Riêng với tuyến số 3 Nhổn-ga Hà Nội, đại diện Ban kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố có phương án thu hồi đất tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô và chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các quận Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm hoàn thành giải phóng mặt bằng bốn ga ngầm vào quý 1/2017; Sở Giao thông Vận tải sớm xem xét thẩm định thiết kế kỹ thuật-dự toán gói thầu số 9 trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt làm cơ sở triển khai đấu thầu...

Với tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, Ban kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng ga C5, C9; chỉ đạo các Quận, Sở, Ngành liên quan phối hợp với Ban hoàn thành giải phóng mặt bằng đoạn trên cao và Depot trong năm 2017.

Với một số kiến nghị trên, Bí thư Thành ủy nhất trí với kiến nghị giải phóng mặt bằng và yêu cầu sớm ban hành Ban chỉ đạo các dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, do lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố đứng đầu để cùng họp bàn tìm ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục