Hà Nội: Từ vụ ca bệnh số 25, cần quyết liệt hơn trong phòng chống dịch

Hà Nội: Cần quyết liệt và mạnh mẽ hơn trong phòng chống dịch COVID-19

Hà Nội vừa ghi nhận thêm trường hợp thứ 25 mắc bệnh COVID-19 ở Nam Từ Liêm. Đáng lưu ý ca bệnh mới này đã có 12 ngày tiếp xúc ngoài cộng đồng khiến nguy cơ dịch bệnh tại Hà Nội có thể lan rộng.
Hà Nội: Cần quyết liệt và mạnh mẽ hơn trong phòng chống dịch COVID-19 ảnh 1Các cư dân sinh sống tại chung cư Sky City Tower chờ đến giờ dỡ bỏ cách ly. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Hà Nội vừa ghi nhận thêm trường hợp thứ 25 mắc bệnh COVID-19 ở Nam Từ Liêm. Đây là ca mắc bệnh trong cộng đồng.

Đáng lưu ý ca bệnh mới này đã có 12 ngày tiếp xúc ngoài cộng đồng khiến nguy cơ dịch bệnh tại Hà Nội có thể lan rộng. Những ngày sát Tết, ca bệnh mới này khiến nhiều người không khỏi phấp phỏng lo âu.

Mối nguy từ khai báo lịch trình không trung thực

Bệnh nhân N.T.K.A., nữ, sinh năm 1993; Địa chỉ: Tòa nhà Garden Hill, 99 Trần Bình, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm. Bệnh nhân có tiếp xúc với BN 1722 (em vợ BN 1694) ngày 26/1 tại cổng tòa nhà.

[Hà Nội: Thêm 2 trường hợp mắc mới COVID-19 tại Ba Đình và Nam Từ Liêm]

Liên quan đến trường hợp dương tính mới với COVID-19 trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, 1 giờ sáng 8/2/2021, quận đã tiến hành phong toả toà A và toà B - Chung cư Garden Hill, 99 Trần Bình.

Hiện, đội ngũ y tế của quận đang tiến hành lấy mẫu của khoảng 1.200 cư dân tại đây.

Ông Trương Quang Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, liên quan đến bệnh nhân số 25 vừa ghi nhận tại Hà Nội, bệnh nhân đã khai báo quanh co, không trung thực. Bệnh nhân giấu diếm lịch trình di chuyển và tiếp xúc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch của quận nói riêng, của thành phố nói chung.

Đặc biệt, bệnh nhân BN1722 (em vợ BN1694) cũng không khai báo nên ảnh hưởng rất nhiều đến công tác phòng chống dịch.

“Ở đây tôi xin nhấn mạnh đó là do trách nhiệm cá nhân của người bệnh đối với cộng đồng và họ không công khai thì sẽ phải có những biện pháp đề nghị để xử lý. Bởi đến bây giờ bệnh nhân vẫn không khai đánh dấu hành trình của mình và họ không khai mình là F1 - đó là sự nguy hiểm quy về trách nhiệm cá nhân, che giấu thông tin. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay, những hành động này phải xử lý nghiêm,” ông Việt cho hay.

Trường hợp trên khai báo không trung thực đã gây khó khăn cho chính quyền địa phương và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ công tác Phòng chống dịch bệnh của quận nói riêng và của thành phố nói chung. Quận đã thông tin đến toàn bộ nhân dân để nắm bắt thông tin nhưng trường hợp cố tình không khai báo do sợ bị đưa đi cách ly mất ăn Tết.

Theo đại diện Ủy ban Nhân dân quận Nam Từ Liêm, với các trường hợp trốn tránh này, Ủy ban Nhân dân quận quận sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật sau khi điều trị khỏi bệnh.

Đội ngũ y tế quận đã yêu cầu toà nhà, cư dân của toà nhà thiết lập ngay tổ xét nghiệm tại 2 toà nhà này. Theo số liệu, có tất cả 375 căn hộ với khoảng 1.200 cư dân.

Đến 3 giờ sáng, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 quận Nam Từ Liêm, Trung tâm Y tế Nam Từ Liêm đã lấy được gần 200 mẫu và chuyển đi CDC để thực hiện test nhanh. Việc lấy mẫu vẫn đang tiếp tục được triển khai.

Sáng 8/2, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID quận Nam Từ Liêm tiếp tục triển khai các phương án khoanh vùng, kiểm soát tốt nhất ổ dịch này.

Những bất cập trong phòng chống dịch ở Hà Nội

 

Không phải đến ca bệnh thứ 25 của Hà Nội mới bộc lộ nhiều lỗ hổng "chết người" trong công tác phòng chống dịch của Thủ đô. 

Trong những ngày có nhiều ca bệnh lây nhiễm ra cộng đồng, trên địa bàn thành phố hầu như không có thông báo truy vết, tên ca bệnh nhân. Cụ thể như ngày 31/1, Hà Nội có 5 ca (trong đó có BN1772) nhưng 3 trong số 5 ca bệnh này không hề được công bố lịch trình, cũng như thông tin cụ thể (1 trong số 3 ca này chính là BN1772).

[Sáng 31/1: Việt Nam ghi nhận thêm 14 ca mắc mới trong cộng đồng]

Chiều 3/2, Thường trực Thành ủy đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Hà Nội đã có quyết định khoanh vùng dịch rộng hơn, thực hiện xét nghiệm phạm vi rộng hơn đối với trường hợp F1, F2, tuy nhiên, việc xét nghiệm này tiến hành như thế nào thì chưa thấy công bố, cho dù hạn công bố các kết quả xét nghiệm đến nhân dân Hà Nội của Thường trực Thành ủy là trước ngày 4/2.

Người dân Hà Nội có lý do để lo lắng, khi mà ca bệnh thứ 25 là F1 nhưng đã không được thực hiện cách ly.  Cũng như việc Hà Nội cho phép dỡ bỏ phong tỏa trong thời gian quá ngắn (Quận Đống Đa đã dỡ bỏ phong tỏa tại Chung cư 88 Láng Hạ sau 2 ngày). 

Trả lời câu hỏi, liệu có quá sớm không khi có nhiều trường hợp sau 7-10 ngày và phải xét nghiệm đến lần thứ hai thậm chí lần thứ ba mới cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, giám đốc CDC Hà Nội phân tích: "Trường hợp dỡ phong tỏa tại Chung cư 88 Láng Hạ được tiến hành hợp lý và chặt chẽ. Bởi nguyên tắc là khi người ta tiếp xúc với F1 mà trước đó kết quả xét nghiệm của F1 đã âm tính, như vậy F2 sẽ hết cách ly.

Vì F2 đã có kết quả xét nghiệm âm tính do tiếp xúc với những người có kết quả âm tính, kể cả người ta là người lành mang trùng đều không có khả năng lây..."

Hà Nội: Cần quyết liệt và mạnh mẽ hơn trong phòng chống dịch COVID-19 ảnh 2Vì vậy, trong cuộc phòng chống đại dịch này, ý thức của mỗi người dân với chính mình và với cộng đồng là biện pháp phòng dịch cao nhất. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Cụ thể ở tòa nhà Chung cư 88 Láng Hạ, khi F0, F1 đi cách ly, tòa nhà đó đã được lực lượng chức năng phun khử khuẩn rồi, còn F2 không có nguồn lây bởi bệnh này không lây qua không khí mà chỉ lây qua giọt bắn phải tiếp xúc gần. Vì vậy, không có nguy cơ gì khi tháo bỏ khoanh vùng cách ly ở diện hẹp nhất. Do đó, việc giải phóng các F2 là chuyện bình thường.

Thứ hai nữa là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tiến hành khoanh vùng đến mức tối thiểu nhất có thể, hạn chế đến mức nhỏ nhất có thể người ta đảm bảo an toàn nhưng không ảnh hưởng đến dân sinh. Nhất là trong điều kiện gần Tết đến, lực lượng y tế xem xét nghiệm toàn bộ chung cư để sàng lọc, đề phòng các tình huống. Tại Chung cư 88 Láng Hạ kết quả sàng lọc hết tất cả các trường hợp đều âm tính...."

Tuy nhiên, với các ca bệnh mới phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 8/2, có những ca F1 đã cho kết quả âm tính nhưng F2 lại cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 thì những lo lắng về việc dỡ bỏ sớm phong tỏa của người dân là có cơ sở.

Mặc dù, giám đốc CDC Hà Nội đã khẳng định: "các cơ quan chức năng đã làm hết nhiệm vụ có thể nhất để khoanh vùng dập dịch..." cũng như đề cao ý thức của người dân coi đó là "tối cao nhất" vì "chỉ một sự thiếu ý thức của một người có thể tạo nên sự nguy hiểm cho những người xung quanh, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả khó lường..."

Tuy nhiên, trước những diễn biến của dịch bệnh đang có xu hướng lan rộng và khó kiểm soát (từ những ca F1, F2 chưa được phát hiện) người dân Hà Nội đang trong tình trạng bất an khi cảm thấy sự thiếu quyết liệt của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Hà Nội trong công tác phòng chống dịch.

Tết Nguyên đán Tân Sửu đã cận kề, cho thấy Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Hà Nội cần nghiêm túc và triệt để trong vấn đề truy vết, cách ly và xét nghiệm cho những trường hợp là F1, F2 trên địa bàn thành phố cũng như có những quyết sách mạnh mẽ hơn để hạn chế dịch bệnh lây lan, dập dịch sớm nhất có thể để người dân Hà Nội có thể đón năm mới trong an bình, vui vẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục