Hà Nội cần 19.500 tỷ đồng đầu tư cho thể dục thể thao

Hà Nội đã quyết định đầu tư mạnh cho thể thao khi phê duyệt Quy hoạch phát triển Thể dục thể thao đến 2020 với tổng nhu cầu đầu tư khoảng 19.500 tỷ đồng.
Hà Nội cần 19.500 tỷ đồng đầu tư cho thể dục thể thao ảnh 1Đại hội thể dục thể thao Thủ đô lần thứ VIII năm 2013 tại Cung thi đấu Điền kinh trong nhà, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Hà Nội đã quyết định đầu tư mạnh, mang tính chiến lược cho thể thao Thủ đô khi phê duyệt Quy hoạch phát triển Thể dục thể thao thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tổng nhu cầu đầu tư phát triển thể dục thể thao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được xác định trong quy hoạch ước khoảng 18.200 đến 19.500 tỷ đồng; trong đó, thành phố sẽ triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp, giải pháp để huy động các nguồn vốn, có cơ chế, chính sách cụ thể đối với từng phân đoạn đầu tư, các hình thức đầu tư, sử dụng có hiệu quả nguồn ODA và trợ giúp quốc tế.

Quyết định chiến lược này thể hiện rõ quan điểm "Phát triển thể dục thể thao là một nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, nhằm tăng cường thể lực, nâng cao vóc dáng, giáo dục nhân cách, phát triển con người toàn diện, làm phong phú, lành mạnh đời sống tinh thần và lối sống của người dân Thủ đô, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống." Theo đó, tổng nhu cầu đất quy hoạch cho thể dục thể thao của Hà Nội đến năm 2020 là 1.834 ha và đến năm 2030 vào khoảng 4.000 ha. Đến năm 2020, đất dành cho hoạt động thể dục thể thao đạt chỉ số 2,3-2,5m2/người, đến năm 2030 khoảng 4m2/người.

Hà Nội ưu tiên dành diện tích đất để di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, diện tích đất xen kẹt cho hoạt động thể dục thể thao. Cùng với đó, đến năm 2020, tất cả quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cần có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đạt tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam (gồm sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi).

Quy hoạch cũng đặt mục tiêu mỗi trường mầm non có phòng tập và sân tập với diện tích khoảng 150-200m2, các trường phổ thông đều có sân tập, nhà giáo dục thể chất.

Hà Nội cũng phấn đấu đạt mức 46% dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên vào năm 2030; đạt mức 40% tổng số hộ gia đình thể thao vào năm 2030. Đây là những chỉ tiêu cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của cả nước.

Riêng với thể thao đỉnh cao, Hà Nội sẽ tận dụng cơ hội tổ chức ASIAD18 - Hà Nội 2019 thành cơ hội, "cú hích" cho sự phát triển chung của đất nước cũng như của Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Nhân sự kiện thể thao lớn nhất châu Á này, thành phố tập trung xây dựng lực lượng thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp mạnh mẽ hơn khi đưa ra những mục tiêu cụ thể như: năm 2015, đạt trên 3.500 vận động viên, trong đó có 850 vận động viên cấp cao và đến năm 2030, sẽ có trên 5.000 vận động viên, trong đó có 1.500 vận động viên cấp cao.

Hà Nội cũng phấn đấu tại ASIAD 18, thành phố đóng góp 35-36% lượng vận động viên cho đoàn thể thao Việt Nam và có tối thiểu 5 huy chương vàng.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, thành phố đã đề ra các danh mục đề án, dự án ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực thể dục thể thao như: Đề án đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao cho ASIAD Hà Nội 2019 và Olympic 2016, Olympic 2020; Dự án nâng cấp, đồng bộ hóa và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu của các công trình thể thao trọng điểm phục vụ ASIAD 18 - Hà Nội 2019 (do Hà Nội trực tiếp quản lý); Dự án cải tạo, nâng cấp các nhà thi đấu phục vụ tổ chức ASIAD 18 - Hà Nội 2019 (do quận, huyện, thị xã đầu tư). Một số dự án, trong đó có dự án Làng ASIAD 18 - Hà Nội 2019, thành phố sẽ kêu gọi đầu tư theo chủ trương xã hội hóa./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục