Hà Nội cấm treo thịt động vật tươi sống tại Lễ hội Chùa Hương

Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương sẽ kiên quyết xử lý tình trạng treo thịt động vật tươi sống trong khu vực lễ hội; các loại động vật như nhím, đà điểu, hươu, nai… phải có chứng nhận xuất xứ.
Suối Yến tấp nập đò đưa du khách về với lễ hội Chùa Hương. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngày 6/1, tại cuộc họp báo về công tác tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2015, ông Nguyễn Văn Hậu,Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết vi chủ đề "Lễ hội kỷ cương - văn minh du lịch," Lễ hội Chùa Hương 2015 sẽ được tăng cường quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, giao thông đi lại thuận lợi, vệ sinh an toàn thực phẩm... đáp ứng nhu cầu tham quan lễ hội của khách thập phương và người dân.

Riêng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tình trạng treo thịt động vật tươi sống trong khu vực lễ hội trong năm những qua, Ban tổ chức lễ hội cho biết sẽ kiên quyết không để tái diễn trong mùa lễ hội này.

Ban tổ chức yêu cầu các chủ hộ kinh doanh ăn uống, sau khi sơ chế thịt động vật phải đặt lên đĩa, bày trong tủ kính. Các loại động vật như nhím, đà điểu, hươu, nai, lợn mán, lợn rừng… đều phải có giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng.

Trước mùa lễ hội, Trung tâm y tế huyện Mỹ Đức tổ chức tập huấn cho các chủ hộ kinh doanh ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ khách thập phương. Những người trực tiếp tham gia chế biến hàng ăn, pha đồ uống ở khu vực Hương Sơn được khám sức khỏe xem có bệnh truyền nhiễm hay không, sau đó mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Vấn đề đổi tiền lẻ, chèo kéo khách dọc đường, đặt tiền giọt dầu cũng được Ban tổ chức đưa ra giải pháp để giải quyết triệt để.

Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương 2015 cho biết, các hộ kinh doanh đã ký cam kết không kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ trong lễ hội. Những hộ cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu tiền lẻ, niêm phong và chỉ giải quyết sau khi lễ hội kết thúc.

Ban tổ chức cũng đưa ra các quy định không được mở loa đài quảng cáo bán hàng quá to, không tổ chức trò chơi có hình thức cá cược, không bán các loại văn hóa phẩm mê tín dị đoan...

Giá đò chất lượng cao mùa lễ hội năm nay là 40.000 đồng/người, đò thường là 35.000 đồng/người; nếu trên đò không có giỏ đựng rác, có biểu hiện chèn ép, "chặt chém" khách… thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Giá vé cáp treo niêm yết là 140.000 đồng/người cho cả lượt đi và về.

Hiện nay, mọi công tác tổ chức đã sẵn sàng và được rà soát chặt chẽ. Hệ thống đường giao thông trên địa bàn, từ Hà Đông về Mỹ Đức đã được tu bổ, nâng cấp. 4km đường suối từ bến đò Yến Vĩ về bến đò Thiên Trù đã được vệ sinh sạch sẽ. Các hệ thống biển báo chỉ dẫn đường bộ, đường thủy đã được hoàn tất.

Lễ hội Chùa Hương chính thức khai mạc vào ngày mùng 6 Tết nhưng ngay từ mùng 2 Tết đã có hàng nghìn chiếc đò phục vụ du khách tham quan, trẩy hội chùa Hương.

Lễ hội Chùa Hương là lễ hội kéo dài nhất cả nước với số người tham gia đông, trong đó ngày cao điểm 70.000 khách, cả mùa lễ hội dự kiến đón 1,5 triệu khách.

Năm nay, thực hiện quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, du khách tham quan Chùa Hương trong ba ngày 30, mùng 1 và mùng 2 Tết sẽ được miễn phí vé tham quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục