“Hà Nội bảo thế là thường”: Thủ đô trong sự hòa quyện ‘trần’ và thơ

Dưới ngòi bút nhẩn nha của Nguyễn Trương Quý, chuyện ăn uống vốn đời thường của người Hà Nội bỗng lắng đọng lại thành một góc tiềm thức đầy thương mến, những ký ức như món quà cá nhân dù họ ở đâu.
'Hà Nội bảo thế là thường' của Nguyễn Trương Quý. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Người đọc yêu Hà Nội chắc hẳn đều biết đến tên tác giả Nguyễn Trương Quý qua các tập truyện, tản văn về vùng đất Thủ đô như "Xe máy tiếu ngạo," "Còn ai hát về Hà Nội"... Tác phẩm thứ 10 của anh - "Hà Nội bảo thế là thường” - tiếp tục là một tập tản văn lấy cảm hứng từ vùng đất kinh kỳ vốn nhiều chộn rộn này. Chọn Hà Nội - một thành phố cổ kính không ngừng phát triển, không ngừng khám phá bản thân - làm đối tượng để viết thì có lẽ anh sẽ không bao giờ hết vốn liếng để tản mạn về nơi đây.

“Chén trà là đầu câu chuyện”

Trong thói quen sống của người Việt, nhất là những người ở Hà Nội, nước chè là một thức tuy rẻ về giá trị tiền bạc nhưng mở ra nhiều cánh cửa giao lưu tinh thần trong đời sống

Vì thế nên Nguyễn Trương Quý đã dẫn người đọc vào tập truyện của mình bằng chương “Ngõ sâu quán nhỏ” gồm 7 bài viết về những món ngon, thói quen ăn uống, không gian ẩm thực của người Hà Nội. Từ những đặc sản nức danh Hà thành như bún chả, các loại ốc luộc, ốc xào, nem rán… có thể đoán rằng ý đồ của tác giả: nói chuyện ăn, chuyện uống thực ra chỉ là cái cớ để bàn luận về cách họ ăn uống, tiêu khiển món ăn như thế nào, từ đó hiện lên hành vi văn hóa, lối sống hàng ngày.

(Ảnh minh họa: Minh Hiếu/Vietnam+)

Trong cả chương, chỉ có duy nhất bài “Bụi hồng quán nước” kể về thói quen uống: Uống nước chè và uống bia và được đặt ngay đầu chương.

Ban đầu, Nguyễn Trương Quý đặt “Bụi hồng quán nước” ở cuối chương nhưng biên tập viên cuốn sách đã “đảo” bài viết này lên đầu bởi chén trà, hớp bia đều là những hình ảnh quá đỗi đời thường và gần gũi. Đưa vào đó câu chuyện của Đoàn Chuẩn và nàng thơ của ông - ca sỹ Lê Hằng (Thanh Hằng), tác giả muốn cho người đọc cảm nhận rằng trong cuộc mưu sinh hàng ngày, con người vẫn luôn dành cho cuộc sống những cảm xúc thơ mộng.

“Rất nhiều văn nghệ sĩ ngày xưa mở quán ăn, bán cà phê hay bán nước chè, mưu sinh là một phần nhưng họ cũng coi đó là nơi gặp gỡ, cô Lê Hằng cũng vậy. Những cô hàng cà phê hay cô hàng nước chẳng hạn, đã thành “điển tích” trong nghệ thuật. Điều đó nói rằng là mọi người vẫn có thể thoát ra khỏi sự nhọc nhằn, hàng ngày để dành một góc cho sự lãng mạn, để tôn vinh cái đẹp. Hai thứ đó không loại trừ nhau,” Nguyễn Trương Quý cho biết.

Có lẽ bản thân anh cũng rất tâm đắc về sự "xoắn xuýt" này: "Hai thứ đan xen, sóng đôi với nhau, tạo nên những giá trị văn hóa rất riêng hòa quyện giữa chúng từ những tứ rất đời thường như chuyện ăn uống, sinh hoạt, qua năm tháng đã chưng cất thành những điều lãng mạn của người Hà Nội."

Ăn chỉ là cái cớ để gặp gỡ...

Cái lãng mạn ấy được đem đi khắp nơi khi người Việt rời quê, tỏa ra tứ phương trên thế giới này.

Trong lần tới thăm một người bạn ở Mỹ, Nguyễn Trương Quý được dẫn đi siêu thị và ăn thử các loại trái cây từ xuân đào đến táo, cắn tươi rôm rốp từ vỏ vào đến thịt. Nhưng khi mua đồ về nhà, bắt tay vào làm bánh táo hoặc salad gì đó, chị lại cẩn thận gọt vỏ từng quả một. Trước sự phân vân của tác giả, người bạn ấy lý giải đó là thói quen khó bỏ của người Việt. Chính những câu chuyện thế này giúp tăng tư liệu, cảm hứng cho những bài viết như “Ăn cả vỏ.”

Hương vị phở Hà Nội đặc trưng trong lòng nhiều người. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Bên cạnh câu chuyện gọt vỏ táo, chuyện ăn phở của những người bạn mà Nguyễn Trương Quý tới thăm ở Bangkok hay Munich lại thể hiện sự kỳ đầy tính chủ đích, nhằm khơi lại cảm giác mà có thể mô tả bằng câu: Phở phải như thế này mới đúng.

“Người Việt đến thăm nhau ở nước ngoài, khả năng cao sẽ đãi nhau món phở,” anh cười vui vẻ trước một sự thật dường như vô cùng hiển nhiên ấy. “Nguyên liệu được chuẩn bị trước nhiều ngày, mỗi lần đi siêu thị, họ sắm nguyên liệu đủ nấu cả 1 tuần. Có lẽ là vì cái khó, cái nghèo ám ảnh một thời khiến họ quen với việc tích góp, dự trữ. Vậy là nếu ở chơi nhà họ 3 ngày thì ngày nào cũng sẽ ăn phở."

Anh kể lại câu chuyện khi tới sống ở Bangkok 1 năm rưỡi. Anh cùng một số người bạn tụ tập để cùng nấu phở. Để nấu được bát phở tái đúng vị, cả nhóm phải đi chọn đúng loại thịt bò bắp, hay là đúng loại rau thơm như rau húng quế. Loại rau này ở đây không dễ kiếm được nhưng cả nhóm quyết đi tìm bằng được.

“Có lẽ điều đó là cái cách họ tìm về với cảm giác hoài niệm, an toàn, êm ả, nhớ lại đúng cái phong tục văn hóa đã gắn sâu vào ký ức, tuổi thơ của họ," nhà văn diễn giải. "Ăn món phở có khi còn cảm nhận được thời tiết, khí hậu của những nơi xưa chốn cũ, nhớ về ký ức xếp hàng chờ ăn phở mậu dịch hay phở Bát Đàn chẳng hạn."

Một món ăn có thể miên man bất tận ra những câu chuyện khác. Nói “miếng trầu là đầu câu chuyện” cũng là vậy – đôi khi ăn chỉ là cái cớ để gặp gỡ, đoàn tụ với nhau thôi, Nguyễn Trương Quý nói.

Không phải cái gì về Hà Nội cũng nên thơ

Trong bài viết “Đây mới đúng là…,” Nguyễn Trương Quý tản mạn về sự thay đổi qua năm tháng của Tết trên nền của cái “lạnh riêu riêu” mà chỉ mùa xuân tại miền Bắc mới được như thế. Tết về, đường phố Hà Nội vắng hẳn, có những ngôi chùa trong phố, những ngôi làng cổ xưa lại hiện ra như chưa từng có mặt ở đó, có cả bà cụ hàng xóm chầm chậm đi lễ.

Trong khung cảnh ấy, anh nhắc đến mùi hương trầm nhưng không nhắc đến mùi tiền giấy cháy khi hóa vàng trong không gian se lạnh, vốn cũng rất Tết, rất đặc trưng này. Đó không phải là quên, mà là chủ ý không nói tới.

(Ảnh minh họa: Minh Nghĩa/TTXVN)

“Đối với tôi, hóa vàng mang một sự nặng nề, vả lại cũng tốn kém và khá gây ô nhiễm. Việc thắp hương cũng vậy. Vào chùa, người ta chỉ nên thắp một nén thôi - vừa đủ để lắng đọng, chứ đừng nên đốt cả bó, trông cứ như đốt rơm rạ... ” tác giả lý giải, dù anh không phủ nhận nó thể hiện một phần giá trị tâm linh trong đó.

“Đó cũng là một triết lý sống của người Việt, ảnh hưởng từ vùng văn hóa Á Đông, các nước đồng văn, cho rằng âm sao dương vậy để thỏa lòng mong nhớ hoặc yên tâm về cuộc sống hiện nay để được phù trì từ người đã mất, từ những hiện tượng siêu nhiên. Tất cả chỉ giải tỏa tâm lý thôi.”

Như vậy, không phải cái gì cũng nên là chủ đề để thơ mộng hóa. Có lẽ việc người ta chê bai mùi hoa sữa cũng vậy. Dù không tỏa hương thơm tinh tế, ngọt và thắm như hoàng lan hay móng rồng nhưng với cá nhân anh, mùi hoa sữa không đến mức gây phiền phức bởi nó chỉ nở trong khoảng trên dưới 1 tuần. “Tôi thấy mùi hoa sữa cũng kích thích đấy chứ! Hàn Quốc cũng có cây ngân hạnh (ginkgo biloba), mùi của quả chín thì... rất tệ. Nhưng khi thu sang, cây thay lá, tán cây chuyển màu vàng ruộm rất đẹp và nên thơ.”

Đặt vào so sánh như vậy để thấy bên cạnh cái xấu cũng có cái đẹp, không nên “ném đá” quá. Nguyễn Trương Quý cho rằng những thứ nổi bật, được đưa lên làm biểu tượng dễ bị gắn với các giá trị đạo đức, dễ bị đánh đồng và gây thất vọng cho người khác. Song các cơ quan cũng nên lưu ý trong việc quy hoạch cho phù hợp mỹ quan và khứu giác trong không gian sống, đặc biệt là chốn đô thị có những khi đông đúc, ngột ngạt… Mùi hương cũng như các giá trị được tôn vinh, cũng cần những khoảng không thưởng thức xứng đáng./.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý sinh năm 1977 tại Hà Nội. Anh theo học và tốt nghiệp từ Đại học Kiến trúc Hà Nội. Sau một thời gian làm kiến trúc sư, anh đi theo đam mê với văn học và bắt đầu theo đuổi thể loại tản văn - thể loại anh được đánh giá là rất thành công. Hiện nay, bên cạnh viết lách, anh còn vẽ tranh, làm đồ họa và truyền thông. Nguyễn Trương Quý được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2019 cho tác phẩm “Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca.”

Các tác phẩm anh từng xuất bản đều viết về mảnh đất Thủ đô, nơi anh sinh ra và lớn lên, gồm: “Tự nhiên như người Hà Nội” (2004), “Ăn phở rất khó thấy ngon” (2008), “Hà Nội là Hà Nội” (2010); “Xe máy tiếu ngạo” (2012), “Còn ai hát về Hà Nội” (2013), “Mỗi góc phố một người đang sống” (2015), - đều là những tản văn viết về con người và phố thị Hà Nội,tập truyện ngắn “Dưới cột đèn rót một ấm trà” (2013), du khảo “Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” (2018). Tác phẩm mới nhất của anh là “Hà Nội bảo thế là thường” (2020)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục