Chỉ còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Hà Nội chủ động nhiều giải pháp để đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân trong dịp cuối năm này, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến, gây mất ổn định thị trường.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, mặc dù, thời tiết năm nay khắc nghiệt nhưng Hà Nội vẫn cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là trong đợt rét đậm rét hại trên diện rộng sắp tới các trang trại đang áp dụng biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Đến nay, tổng đàn gia cầm khoảng 37 triệu con, đàn lợn 1,5 triệu con, đàn trâu bò 170 nghìn con với 6.515 trang trại chăn nuôi và 190.608 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, vào dịp cuối năm, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, mùa lễ hội... nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gia súc gia cầm tăng mạnh khoảng 20% so với ngày thường.
Với nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng, Hà Nội đã chủ động từ nguồn cung sản xuất tại chỗ và liên kết với các tỉnh, cơ bản bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm.
[Bình Thuận: Hơn 350 tỷ đồng dự trữ hàng hóa thiết yếu cho Tết]
Ông Nguyễn Văn Chữ, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm sạch Organic Green cho biết, thời điểm này, chuỗi thực phẩm sạch Organic Green đang đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thịt gà, vịt và sản phẩm chế biến từ thịt lợn như: xúc xích, chân giò xông khói, giò, chả… để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023.
Trung bình mỗi tháng, công ty cung ứng ra thị trường 150 tấn thành phẩm lợn, gà, vịt và các sản phẩm chế biến, tăng 2-2,5 lần so với các tháng trong năm.
Tại Hợp tác xã Hoàng Long ở huyện Thanh Oai (Hà Nội), ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long cho biết với quy mô 500 lợn nái và 5.000 lợn thương phẩm, hợp tác xã sản xuất thường xuyên 13 sản phẩm chế biến theo chuỗi A-Z như giò, chả, xúc xích, thịt hun khói, nem chua.
Mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 2 tấn thịt lợn và 3 tấn sản phẩm từ thịt lợn mang thương hiệu A-Z. Ngoài ra, vào tháng Tết, hợp tác xã cung cấp 200-250 tấn thịt lợn cho các doanh nghiệp chế biến đã ký kết hợp đồng.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội chỉ mới đáp ứng 30-65% nhu cầu hơn 10 triệu người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn. Cụ thể đáp ứng được 65,6% sản phẩm gạo; thịt lợn hơi 94,1%, trái cây 28,8%; trứng gia cầm 94,2%... Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành trên cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, những năm qua, Hà Nội đã liên kết với các tỉnh, thành phố khác đưa nông sản về phục vụ người dân Thủ đô. Điều này không chỉ phát huy hiệu quả các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội mà còn đẩy mạnh phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn giữa Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước.
Bên cạnh đó, để đảm bảo bình ổn giá trước, trong và sau Tết, Hà Nội cũng đã dành hơn 39.500 tỷ đồng dự trữ hàng hóa cho tết Nguyên đán, tăng từ 15-20% so với dịp tết năm ngoái.
Đặc biệt, Hà Nội cũng chú trọng công tác bình ổn giá và đến nay đã có 32 đơn vị đăng ký tham gia chương trình. Các đơn vị này sẽ phát triển hệ thống phân phối về các vùng ngoại thành nhằm đưa hàng bình ổn đến tận tay người nghèo, người còn khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết Công ty có đăng ký với Sở Công Thương Hà Nội tham gia chương trình bình ổn giá năm 2022. Mặc dù vậy, Công ty cũng không nhận vốn vay ưu đãi của chương trình, nhưng vẫn đảm bảo chuẩn bị trữ hàng hóa đầy đủ. Công ty đã làm việc với nhà cung cấp từ sớm để đảm bảo đủ nguồn hàng cũng như giá cả được bình ổn người tiêu dùng yên tâm mua sắm.
Cùng với 31 đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá dịp tết Nguyên đán năm nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn bán lẻ BRG đã ký hợp đồng với các nhà cung cấp từ trước, lượng dự trữ hàng hóa tăng hơn tết năm trước từ 40 đến 50% gồm các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như: thịt lợn, gạo, dầu ăn, nông sản, thực phẩm.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bán lẻ BRG cho biết dịp cuối năm thực phẩm khô như măng, miến, nấm hương, mộc nhĩ, bánh đa nem… tăng cao nên công ty đã thống nhất về giá với nhà cung cấp đảm bảo không có sự tăng giá từ nay đến tết.
Riêng mặt hàng tươi sống, thịt lợn đã được công ty đã làm việc với các nhà cung cấp, có nguồn ổn định từ nhà máy và có mức giá không bị tác động quá nhiều của thị trường.
Năm nay, chương trình bình ổn thị trường không chỉ thực hiện với các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội mà còn phối hợp với cả các doanh nghiệp ở các tỉnh thành khác, nhờ đó mà Hà Nội luôn đảm bảo đầy đủ hàng hóa đạt chất lượng để phục vụ người dân.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết Tết nhu cầu của người dân tăng từ 15 đến 20% để mua sắm phục vụ tết, do đó, Hà Nội luôn đảm bảo dự trữ nguồn cung tăng từ 30 đến 35% tức là ngoài hàng hóa Hà Nội giao cho các hệ thống phân phối tăng 15% nhu cầu so với nhu cầu năm trước thì các doanh nghiệp phải dự trữ tăng 30%.
Tại Hà Nội, các đơn vị sẽ cung ứng hàng bình ổn giá tới hơn 12.000 điểm bán hàng trên toàn thành phố; trong đó, có 132 siêu thị, trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và hàng loạt điểm bán hàng lưu động về các huyện ngoại thành, nhằm đưa hàng hóa thiết yếu bình ổn đến với người nghèo, người còn khó khăn để họ có điều kiện đón một cái tết đầy đủ hơn./.