Hà Nội: Bãi sông ở Gia Lâm vẫn tiếp tục sạt lở, ảnh hưởng đến nhà dân

Để đảm bảo an toàn tại khu vực sạt lở ở bãi sông xã Kim Lan, Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm tổ chức di dời 5 hộ dân đến nơi an toàn; đặt biển cảnh báo nguy hiểm, không cho người dân qua lại.

Ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm đi kiểm tra thực tế những vị trí sạt lở bờ sông ở xã Kim Lan. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)
Ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm đi kiểm tra thực tế những vị trí sạt lở bờ sông ở xã Kim Lan. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Ngày 25/9, ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm (Hà Nội), cho biết hiện nay tại xã Kim Lan tiếp tục xảy ra tình trạng sạt ở khu vực bờ, bãi sông không đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân.

Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội sớm đẩy nhanh thực hiện dự án xử lý cấp bách tại khu vực trên.

Theo ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở là do bờ, bãi sông khu vực này là đất cát pha liên kết yếu, sau cơn bão số 3 mực nước sông Hồng lên cao làm đất ngậm nước bão hòa càng làm giảm sự liên kết của đất.

Hiện nay, nước sông rút kéo theo phần đất, cát đã mất liên kết gây ra hiện tượng sạt lở trên. Các vết nứt dọc phát triển rộng hơn. Nguy cơ sạt lở tiếp tục phát triển và có khả năng tiếp tục ăn sâu và nhà dân.

Các vị trí sạt lở bờ diễn ra ở các thôn 4, thôn 5 và khu Miếu Triền thuộc xã Kim Lan. Cụ thể, sạt lở thôn 4 xảy ra từ ngày 12/8, vị trí này tương ứng với đê tả Hồng (tỉnh Hưng Yên) từ K79+150, điểm gần nhất cách đê chính khoảng 1.800m.

Tại đây cung sạt lở tiếp tục phát triển về phía thượng lưu, có chiều dài khoảng 25 m (tổng chiều dài 135m), ăn sâu vào bãi từ 2-8m, sạt lở đứng thành, chênh cao mặt bãi so với mặt nước khoảng 7-8m; cung sạt làm sập 1 đoạn tường nhà khoảng 6m của gia đình ông Nguyễn Văn Hải.

Vị trí thứ 2 sạt lở ở thôn 5, xã Kim Lan xảy ra từ ngày 16/9, vị trí tương ứng với đê tả Hồng tại K79+450 (đê tỉnh Hưng Yên), điểm gần nhất cách đê chính khoảng 1.900m.

Tại đây khu vực sạt lở dài khoảng 32m (cách vị trí sạt lở ở thôn 4 khoảng 300m về phía hạ lưu), ăn sâu vào bãi từ 1-3m, sạt lở đứng thành; cung sạt lở cách công trình nhà dân gần nhất 4,5m và có khả năng tiếp tục phát triển, ăn sâu vào phía nhà dân gần đó.

Vị trí sạt lở thứ 3 tại khu Miếu Triền xảy ra từ ngày 17/9, vị trí tại K79+280 tương ứng với đê tả Hồng (đê tỉnh Hưng Yên) thuộc khu Miếu Triền, thôn 4, xã Kim Lan, điểm gần nhất cách đê chính khoảng 1.850m.

Vị trí sạt lở này cách vị trí sạt lở thôn 4 nhà ông Hà (xảy ra ngày 12/8/2024) khoảng 40m về phía thượng lưu, cách vị trí sạt lở thôn 5 (xảy ra ngày 16/9/2024) 160m về phía hạ lưu.

Hiện trạng khu vực sạt lở mới là khu vực bãi đất trống (đất công do Ủy ban Nhân dân xã quản lý) không có hộ dân sinh sống bị ảnh hưởng.

Tại đây cung sạt có chiều dài khoảng 100m, tiếp tục ăn sâu vào bãi từ 2-17m, sạt lở đứng thành, cung sạt lở cách công trình nhà dân gần nhất 20m. Các vết nứt dọc phát triển rộng hơn. Khả năng sạt lở tiếp tục ăn sâu vào nhà dân.

Để đảm bảo an toàn, tính mạng tài sản của nhân dân tại khu vực trên, Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm đã tổ chức di dời 3 hộ dân tại khu vực sạt lở thôn 4 và 2 hộ dân tại khu vực sạt lở thôn 5 đến nơi an toàn.

Đối với khu vực sạt lở tại thôn 4, lực lượng chức năng của huyện đã tổ chức dựng tôn quây kín khu vực sạt lở và gắn biển cảnh bảo không cho người người ra vào khu vực.

Tại khu vực sạt lở ở khu Miếu Triền và khu vực sạt lở thôn 5, xã Kim Lan tổ chức chốt chặn bằng barie cứng, đặt biển cảnh báo nguy hiểm, tuyệt đối không cho người dân qua lại khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.

Đồng thời tổ chức ứng trực 24h/24h, thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến sạt lở, đảm bảo tuyệt đối tính mạng và tài sản cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục