Ngay sau khi sáp nhập địa giới hành chính mới, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác giao đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn, song đến nay, tiến độ thực hiện tại các địa phương vẫn còn rất chậm.
Hàng loạt những vướng mắc, bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng, kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đã khiến các địa phương “lúng túng” trong triển khai thực hiện, gây bức xúc cho người dân trong vùng đất bị thu hồi.
Theo báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến hết tháng 7/2013, trong tổng số 77.543 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu đất dịch vụ, mới có 10.121 hộ được giao đất, đạt gần 13% (tương ứng với 44ha đất). Tổng quỹ đất dịch vụ còn thiếu khoảng 207ha (nếu tính cả diện tích xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 295ha).
Đáng lưu ý là trong tổng số hươn 731ha đất dịch vụ đã có quyết định thu hồi đất, các quận, huyện mới xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật của gần 259ha (đạt 65%), hiện còn 472ha chưa xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt 421ha chưa giải phóng mặt bằng.
Đánh giá của Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, chỉ có một số quận huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giao đất dịch vụ nên kết quả thực hiện đạt cao; như huyện Đan Phượng đã cơ bản giao xong đất dịch vụ (đạt khoảng 90%), huyện Thường Tín đạt khoảng 61%, Phúc Thọ 43%, quận Hà Đông đạt khoảng 21% (dự kiến đến hết năm 2013 giao cho khoảng 6.500 hộ đạt 41%). Còn lại các quận, huyện khác đạt rất thấp, thậm chí có một số quận, huyện chưa giao được cho hộ nào như Mê Linh, Từ Liêm, Ba Vì, Quốc Oai, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thạch Thất.
Từ kết quả giao đất dịch vụ đạt quá thấp, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, một số quận, huyện chưa chủ động chỉ đạo, chưa xác định công tác giao đất dịch vụ là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm; chưa phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong việc thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai. Đối với các khu đất dịch vụ đã có quyết định giao đất, tiến độ giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật còn chậm, chưa đủ điều kiện để giao cho các hộ dân...
Tuy nhiên, theo lý giải của các quận, huyện, việc chậm thực hiện công tác giao đất dịch vụ còn do những khó khăn, vướng mắc về đối tượng xét duyệt, cơ chế giao đất và nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Bởi thực tế, nguồn thu chủ yếu của các quận, huyện là đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng với thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay thì không thể có kinh phí triển khai các dự án này. Theo tính toán sơ bộ, để giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với diện tích đất dịch vụ còn thiếu (295ha), các quận, huyện đang cần khoảng 4.700 tỷ đồng.
Từ nay đến cuối năm, để thực hiện dứt điểm công tác giao đất dịch vụ cho người dân, thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, đặc biệt là Hà Đông và thị xã Sơn Tây phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ vướng mắc của từng dự án để trả hết đất dịch vụ cho nhân dân nhằm ổn định cuộc sống và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh đối với khu đất đã có quy hoạch, chủ trương đầu tư và các dự án đầu tư được duyệt phải triển khai ngay công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Đối với khu đất dịch vụ đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, khẩn trương lập phương án giao đất và tổ chức giao đất cho các hộ dân. Riêng với các khu đất xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật khung (đường giao thông), thành phố cho phép lập phương án giao đất và tổ chức giao đất song song với việc hoàn thiện hạ tầng theo dự án được duyệt.
Thành phố cũng giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc chủ động phối hợp với quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây rà soát quy hoạch, giới thiệu địa điểm đảm bảo cân đối đủ quỹ đất dịch vụ.
Các trường hợp khó khăn về vốn đầu tư, các quận, huyện phải cân đối, đề xuất thành phố bố trí bổ sung. Thành phố khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ gia đình nhận tiền thay cho việc nhận đất dịch vụ./.
Minh Nghĩa (TTXVN)