Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan rộng với các ca nhiễm cộng đồng tăng cao, ngành giáo dục tỉnh Hà Nam đã tăng cường kiểm soát, thực hiện công tác phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên, đồng thời bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình giáo dục năm học 2021-2022.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam, trước Tết Nguyên đán (tính từ ngày 22/11/2021 đến 28/1/2022), toàn tỉnh chỉ có 646 trường hợp F0 là giáo viên và học sinh. Sau kỳ nghỉ Tết đến ngày 22/2, số ca mắc đã tăng đột biến với hơn 5.000 F0 xuất hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh.
Trước bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành giáo dục Hà Nam đã chủ động bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống dịch để có sự chỉ đạo cụ thể đối với các nhà trường vừa thực hiện tốt phòng chống dịch, vừa linh hoạt dạy học phù hợp với thực tế.
Tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Phủ Lý), hiện có 11/31 lớp học phải thực hiện học trực tuyến vì các khối lớp này đang có các trường hợp F0 và F1 phải điều trị và cách ly.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Ban Giám hiệu nhà trường đã thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch như: giáo viên và học sinh quy định phải đeo khẩu trang khi đến trường, hạn chế các hoạt động tập trung đông học sinh, chuẩn bị đầy đủ vật tư phòng dịch tại các lớp học cũng như thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh để theo dõi, nắm tình hình học sinh. Nhà trường bố trí phòng cách ly tạm thời trong tình huống có trường hợp giáo viên hay học sinh liên quan đến COVID-19.
[Hà Nam: Học sinh tiểu học và lớp 6 chuyển sang học trực tuyến]
Cô Lê Thị An Bình, Hiệu trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho biết khi phát hiện học sinh F0, trường cho lớp học đó tạm nghỉ 1-2 ngày để xác định các em F1, yêu cầu các em khai báo y tế địa phương để thực hiện theo quy trình y tế. Một số lớp có đến 5-7 em là F1, nhưng lớp học vẫn được tiếp tục học bình thường theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tương tự, tại Trường Trung học Phổ thông A Phủ Lý, tính đến ngày 22/2/2022 toàn trường ghi nhận hơn 50 trường hợp F0 là học sinh. Các trường hợp này sẽ được bố trí dạy trực tuyến vào khung giờ thích hợp để đảm bảo chương trình. Ngoài ra, Ban Giám hiệu yêu cầu các lớp không tổ chức các hoạt động giáo dục tập trung, tránh tụ tập đông người và theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh, giáo viên.
Theo thầy Lương Văn Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông A Phủ Lý, giáo viên thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh, học sinh không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; chủ động theo dõi tình hình học tập, sức khỏe của các cháu để phối hợp với nhà trường, thường xuyên cập nhật các thông tin về dịch COVID-19 có liên quan đến học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh. Từ đó có phương án cách ly khi phát hiện các ca bệnh và xây dựng các kế hoạch, phương án dạy học hợp lý.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh chuẩn bị những điều kiện tốt nhất phục vụ công tác dạy và học cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã có đề nghị với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học và lớp 6 dừng học trực tiếp chuyển sang học trực tuyến từ ngày 22/2/2022.
Các cấp học khác, Sở yêu cầu tuyệt đối không dừng dạy học trực tiếp, chủ động, linh hoạt xây dựng thời khóa biểu trên cơ sở số lượng giáo viên để đảm bảo hoàn thành chương trình cốt lõi của năm học 2021-2022.
Ông Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam, cho hay việc tổ chức dạy học cần linh hoạt, bám sát tình hình dịch bệnh của từng lớp, từng trường, từng học sinh, giáo viên; cố gắng giảm thiểu áp lực đối với học sinh, giáo viên, đảm bảo an toàn trước dịch bệnh. Việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch là tiền đề giúp cho ngành thực hiện tốt công tác chuyên môn hoàn thành chương trình giáo dục năm học 2021-2022.
Đến thời điểm này, tỉnh Hà Nam có gần 11.000 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên đã tiêm mũi 3; trên 64.000 lượt học sinh được tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19.
Việc tiếp tục chủ động, sẵn sàng tâm thế và các biện pháp, kịch bản đối phó với dịch bệnh bằng những kinh nghiệm đã có sẽ giúp các nhà trường thực hiện việc dạy và học linh hoạt hơn, củng cố, bù đắp và hoàn thiện chương trình dạy học theo kế hoạch chung./.