Hà Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa phân loại cấp độ dịch COVID-19

Cả ba tỉnh Hà Nam, Quảng Ngãi và Thanh Hóa đều phân loại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh là cấp 2 - nguy cơ trung bình và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp tình hình.
Hà Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa phân loại cấp độ dịch COVID-19 ảnh 1Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho người dân thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Ngày 18/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định số 1828/QĐ-Ủy ban Nhân dân về việc phân loại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam phân loại cấp độ dịch COVID-19 của tỉnh là cấp 2 - nguy cơ trung bình (Vùng vàng), 6 huyện, thị xã, thành phố cũng ở cấp 2. Đối với cấp xã có 88 đơn vị cấp 1 - nguy cơ thấp và 21 đơn vị cấp 2 - nguy cơ trung bình.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam giao Sở Y tế công bố, cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn và vùng cách ly y tế thuộc tỉnh và các biện pháp áp dụng tương ứng trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và của Bộ Y tế. Đồng thời tham mưu điều chỉnh các tiêu chí phân loại và điều chỉnh cấp độ dịch phù hợp diễn biến tình hình dịch bệnh và thực hiện triển khai tại địa phương.

[Hà Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch COVID-19]

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, ngày 18/10, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 20 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Như vậy, kể từ ca bệnh BN687.470, ở thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều 19/9, tính đến 19 giờ ngày 18/10, tỉnh Hà Nam ghi nhận 759 ca bệnh mắc COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tiến hành truy vết, điều tra, lấy mẫu tại các ổ dịch mới xuất hiện tại địa bàn tỉnh Hà Nam; triển khai tiêm chủng toàn dân, đẩy nhanh tiến độ bao phủ nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch và sức khỏe người dân.

Đồng thời, điều tra, thu thập thông tin, tổng hợp báo cáo ca bệnh theo quy định của Bộ Y tế; tiếp tục thực hiện các hoạt động giám sát, theo dõi sức khỏe, hướng dẫn cách ly theo quy định và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp hoàn thành cách ly tập trung, bệnh nhân COVID -19 đã được điều trị khỏi xuất viện, người về từ các địa phương đang có dịch; tiếp tục theo dõi sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ cho các công dân đang cách ly tập trung tại các khu cách ly tập trung.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam cũng phối hợp, chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố điều tra giám sát các hành khách đi trên các chuyến bay, chuyến tầu…, liên quan đến các ca dương tính và các địa điểm có ca dương tính được công bố theo quy định.

Quảng Ngãi áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ở cấp độ 2

Ngày 18/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký quyết định số 1628/QĐ-Ủy ban Nhân dân nhằm quy định tạm thời một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19."

Kể từ 12 giờ 00 phút ngày 19/10/2021, tỉnh Quảng Ngãi chính thức áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng các địa bàn, điểm phong tỏa có F0 vẫn thực hiện giãn cách xã hội, cách ly y tế và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Quyết định số 3986/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Cụ thể, các hoạt động ngoài trời không tập trung quá 30 người tại phạm vi ngoài công sở, các cuộc họp, hội nghị không quá 50 người hoặc 100 người nếu 100% người đã được tiêm vaccine.

Hoạt động giao thông vận tải, lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh được phép hoạt động nhưng phải đáp ứng các điều kiện, quy định của cơ quan chức năng.

Tỉnh tiếp tục tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu dễ bị lây nhiễm.

Các cơ sở kinh doanh ăn uống tại 5 huyện miền núi được hoạt động mở cửa trở lại nhưng không quá 50% công suất và không quá 10 người, phòng và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.

Cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn, uống tại các địa phương còn lại được hoạt động nhưng không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi.

Đối với cá nhân thực hiện nghiêm quy định 5K, không tự ý đi mua thuốc chữa bệnh, phải liên hệ cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn. Sử dụng mã QR theo quy định của chính quyền, cơ quan y tế.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu người dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, linh hoạt và động viên người thân cùng gia đình tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và sống an toàn.

Thanh Hóa chống dịch ở cấp độ 2

Chiều 18/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID - 19” trên địa bàn tỉnh; đồng thời căn cứ theo các tiêu chí và tình hình thực tế diễn biến dịch để đánh giá và xác định cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

Hà Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa phân loại cấp độ dịch COVID-19 ảnh 2Người dân làm thủ tục khai báo y tế tại chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 Dốc Xây, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng khẳng định xuất phát từ tình hình thực tiễn cũng như theo chỉ đạo của Trung ương, Thanh Hóa cần phải có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để chuyển sang trạng thái bình thường mới, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa khôi phục và đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, gắm với bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Thanh Hóa phấn đấu trong thời gian sớm nhất phải bao phủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, đồng thời triển khai tiêm phòng cho trẻ em dưới 18 tuổi theo quy định.

Trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ phòng chống dịch theo 3 quan điểm chủ đạo, trước hết, phải phát huy vai trò của người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; thứ hai là phải thống nhất trong toàn tỉnh để thực hiện việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, với lộ trình phù hợp, khả thi; thứ 3, phòng chống dịch COVID-19 là chiến lược thường xuyên, lâu dài trong đó tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị là điều kiện tiên quyết, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và áp dụng công nghệ trong phòng chống dịch.

Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh ngay trong tối 18/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cần có quyết định khẳng định một số vấn đề quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Đó là Thanh Hóa phải công bố cấp độ dịch hiện nay của tỉnh; căn cứ theo tỷ lệ ca mắc COVID-19 trên 100.000 dân thì Thanh Hóa đang ở cấp độ 1, nhưng do độ bao phủ vaccine của tỉnh hiện đạt thấp, mới chỉ khoảng 30% dân số trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, nên tổng hợp các tiêu chí thì Thanh Hóa hiện đang ở cấp độ 2, tức là vùng vàng.

Thanh Hóa sẽ tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát người trở về từ vùng dịch trên Quốc lộ 1A thuộc địa bàn thị xã Nghi Sơn và thị xã Bỉm Sơn; trên đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn huyện Như Xuân và huyện Thạch Thành; tại cảng hàng không Thọ Xuân và ga Thanh Hóa.

Nhiệm vụ của các chốt là hướng dẫn, phân luồng người từ vùng dịch vào địa bàn tỉnh, thông tin cho các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; đồng thời tổ chức xét nghiệm cho những người có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 và những người có yêu cầu.

Trừ những trường hợp này, thì người từ địa phương khác vào Thanh Hóa không phải xuất trình giấy tờ chứng nhận âm tính, không phải test nhanh kháng nguyên COVID-19.

Đối với việc đưa đón người từ các tỉnh trở về địa bàn Thanh Hóa bằng đường bộ, đường sắt và hàng không, thống nhất 3 phương án: nếu người dân có phương tiện thì chủ động về thẳng trạm y tế xã nơi cư trú để khai báo y tế; nếu có người nhà đi đón thì cả người đi đón cũng phải áp dụng biện pháp phòng, chống dịch như người được đón; nếu không có phương tiện thì sử dụng phương tiện dịch vụ do sở Giao thông vận tải Thanh Hóa tổ chức và trả phí theo giá niêm yết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục