Hà Nam phấn đấu tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên 15%

Theo ông Phạm Sỹ Lợi, Phó Chủ tịch UBND Hà Nam, tỉnh đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân trên 15%/năm giai đoạn từ 2016-2020.
Dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty TNHH Number One Hà Nam. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ông Phạm Sỹ Lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, tỉnh đã đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân trên 15%/năm giai đoạn từ 2016-2020.

Theo đó, đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh phấn đấu đạt trên 81.000 tỷ đồng, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 60% GDP.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ lấp đầy 100% các khu công nghiệp: Hòa Mạc ở huyện Duy Tiên, Châu Sơn ở thành phố Phủ Lý và Kiện Khê thuộc huyện Thanh Liêm; đồng thời có kế hoạch mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư tại Khu công nghiệp Đồng Văn III ở huyện Duy Tiên, với tỷ lệ lấp đầy khoảng 50%.

Đến năm 2020, các sản phẩm chủ yếu của tỉnh gồm sữa phấn đấu đạt 143 triệu lít, bia 100 triệu lít, nước giải khát 600 triệu lít, ximăng từ 14-15 triệu tấn và thiết bị điện tử, khoảng 24,5 triệu sản phẩm... Riêng trong năm nay, tỉnh đề ra mục tiêu tăng giá trị sản xuất công nghiệp ở mức 22,7% (so với 2014), đạt trên 21.000 tỷ đồng.

Để thực hiện các mục tiêu trên, theo ông Phạm Sỹ Lợi, tỉnh Hà Nam sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp như kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho 40-50 dự án đăng ký hoàn thành đầu tư, đi vào sản xuất và có sản phẩm mới ngay trong năm nay. Các khu công nghiệp tiếp tục được củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu.

Các cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp hiện có (15 cụm) được đầu tư nâng cao hiệu quả, tạm dừng phát triển các cụm mới. Tỉnh cũng xây dựng và triển khai đề án phát triển công nghiệp nông thôn gắn với thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp.

Các làng nghề có các sản phẩm truyền thống được giữ vững và phát triển. Hà Nam cũng chủ trương tìm kiếm đối tác để xây dựng một vườn ươm công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn có điều kiện tiếp cận và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trong gia đoạn 2011-2015, sản xuất công nghiệp trong tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân trên 21%/năm. Sản xuất công nghiệp đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng chung của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.

Cụ thể, trong việc thu hút đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20/3 vừa qua, chỉ tính riêng các khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút được 200 dự án đầu tư, trong đó 164 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, các doanh nghiệp này đã giải quyết việc làm cho gần 19.000 lao động, gấp 1,25 lần so với chỉ tiêu. Nhiều doanh nghiệp có tên tuổi đã đầu tư các dự án quy mô lớn vào tỉnh, như Honda, Number One, Nutifood…

Đặc biệt, Hà Nam đã có những cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp, góp phần phát triển nền công nghiệp trong tỉnh. Tỉnh đã đề ra và thực hiện nghiêm túc “10 cam kết với các nhà đầu tư,” “10 chữ vàng” đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Kết quả, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 của Hà Nam tăng mạnh mẽ, 20 bậc so với 2012, đứng thứ 32 toàn quốc.

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 5 năm qua của tỉnh còn tồn tại một số hạn chế, chưa đạt mục tiêu mà Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra như tỷ trọng công nghiệp chế tạo, công nghiệp công nghệ cao đạt thấp, chưa có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Một số làng nghề còn tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Lao động tay nghề cao còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục