Hà Nam, Nam Định, Sóc Trăng, Điện Biên bảo đảm an toàn cho Ngày bầu cử

Lực lượng công an tại tỉnh Hà Nam và Nam Định ra quân đảm bảo an ninh trật tự cho Ngày Bầu cử trong khi lực lượng quân đội tại Sóc Trăng và Điện Biên tăng cường đảm bảo an ninh trên tuyến biên giới.
Hà Nam, Nam Định, Sóc Trăng, Điện Biên bảo đảm an toàn cho Ngày bầu cử ảnh 1Cán bộ, chiến sỹ Công an Nam Định tham dự lễ ra quân đảm bảo an ninh trật tự cho Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Lực lượng công an và quân đội các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Sóc Trăng và Điện Biên đã triển khai các kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho Ngày bầu cử.

Tại Hà Nam, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Nam đã xây dựng và triển khai Kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn bầu cử.

Lực lượng An ninh chính trị nội bộ đã triển khai đồng loạt các giải pháp, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác bầu cử, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc về bầu cử; tham mưu, phối hợp với các ban, ngành làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động; tuyên truyền nâng cao nhận thức quyền và nghĩa vụ khi tham gia bầu cử; tham mưu các cơ quan, ban, ngành xây dựng hành lang pháp lý, chế tài thực hiện các quy định, quy chế quản lý cán bộ, đảng viên.

Trung tá Nguyễn Cao Cường, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Nam, cho biết, Phòng đã rà soát chính trị nội bộ nhân sự phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; báo cáo tình hình và kết quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; công tác Công an tham gia giải quyết khiếu kiện, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử; cử cán bộ phối hợp đảm bảo an ninh trật tự cho cuộc bầu cử.

Cùng với đó, lực lượng An ninh chính trị nội bộ đã triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, tham mưu cấp ủy, lãnh đạo cơ quan tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, chủ động phát hiện, giải quyết những vấn đề chính trị nội bộ liên quan công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ; tăng cường các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ; quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch phản động.

Lực lượng An ninh chính trị nội bộ trực tiếp tham gia đảm bảo an ninh, an toàn việc bầu cử, trong đó tập trung bảo vệ đường lối, nhân sự bầu cử, xử lý các vụ việc phức tạp có liên quan đến công tác chuẩn bị, tổ chức và nhân sự bầu cử; tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ; chấn chỉnh tình trạng báo chí đưa thông tin sai lệch để kẻ địch lợi dụng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ nội bộ Đảng và Nhà nước; tuyên truyền vận động cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động không tham gia truy cập, bình luận, đưa tin, viết bài, tán phát tài liệu có nội dung phản động chống phá bầu cử, xuyên tạc đường lối của Đảng, Nhà nước liên quan công tác bầu cử.

[Bầu cử Quốc hội: Cử tri cả nước rộn ràng, khẩn trương đón Ngày hội lớn]

Tại Nam Định, ngày 22/5, Công an tỉnh Nam Định tổ chức ra quân đảm bảo an ninh trật tự cho Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Nam Định và Công an các huyện, thành phố đã diễn tập phương án xử lý tình huống tập trung đông người khiếu kiện, gây rối an ninh trật tự, cố tình phá hoại cuộc bầu cử; xử lý các vụ cháy nổ tại các điểm bầu cử...

Cuộc diễn tập nhằm giúp lực lượng Công an và các cơ quan liên quan chủ động giải quyết tình huống khi có sự việc tương tự xảy ra trong thực tế.

Đại tá Phạm Văn Long, Giám đốc Công an tỉnh Nam Định cho biết, để bảo vệ an ninh, an toàn cho Ngày Bầu cử, Công an tỉnh đã thực hiện tốt công tác nắm bắt tình hình, chủ động phát hiện từ xa, từ sớm những vấn đề nổi lên về an ninh trật tự ngay tại cơ sở, xử lý dứt điểm không để bị động, bất ngờ, đồng thời nâng cao nhận thức của toàn dân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các thông tin xấu độc liên quan đến bầu cử.

Giám đốc Công an tỉnh Nam Định yêu cầu, lãnh đạo, chỉ huy Công an các huyện, thành phố, các đơn vị nghiệp vụ phải gương mẫu, đi đầu, nói đi đôi với làm, đồng thời phải chịu trách nhiệm toàn diện về an ninh trật tự trong Ngày Bầu cử trước Giám đốc Công an tỉnh. Cán bộ, chiến sỹ phải nắm chắc tình hình, sát cơ sở, sát dân phải thực hiện nghiêm chế độ trực ban, trực chiến.

Để đảm bảo an ninh trật tự cho Ngày Bầu cử, Công an tỉnh Nam Định đã bố trí các tổ công tác đảm bảo an ninh trật tự tại 1.698 khu vực bầu cử trên địa bàn toàn tỉnh; tham gia nắm tình hình và giải quyết các mâu thuẫn về đất đai, xây dựng, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân không để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử; phát động toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm "mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi hộ gia đình là một pháo đài chống dịch."

Thời gian qua, Công an Nam Định đã đấu tranh, triệt phá 9 băng nhóm, 29 đối tượng hình sự; vận động 67 đối tượng truy nã ra đầu thú; phát hiện, xử lý hành chính 53 vụ, 84 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng; xử lý trên 8.800 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt hơn 8 tỷ đồng.

Tỉnh Nam Định có hơn 1,5 triệu cử tri. Hiện các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị đủ 1.698 hòm phiếu chính, 1.698 hòm phiếu phụ. Ủy ban Bầu cử tỉnh Nam Định cũng đã xây dựng phương án xử lý tình huống đột xuất, nhất là tình huống về dịch bệnh trong Ngày Bầu cử; chuẩn bị đủ trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch. Hoạt động tuyên truyền được tổ chức rộng khắp, tạo không khí sôi nổi trước Ngày Bầu cử - Ngày hội của toàn dân.

Hà Nam, Nam Định, Sóc Trăng, Điện Biên bảo đảm an toàn cho Ngày bầu cử ảnh 2Lực lượng Biên phòng tỉnh Điện Biên tuần tra, kiểm soát đường biên, khu vực biên giới mốc 89 trên biên giới Việt Nam-Lào. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Tại Điện Biên, khu vực biên giới tỉnh Điện Biên có hơn 240 tổ bầu cử với hơn 67.000 cử tri. Những ngày qua, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã biên giới, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã tập trung thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên các tuyến biên giới, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường công tác tuyên truyền bầu cử đến nhân dân ở khu vực biên giới thực hiện quyền và nghĩa vụ của cử tri, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử sắp tới.

Những ngày này, có dịp về các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của các huyện Điện Biên, Nậm Pồ, huyện cực Tây Mường Nhé... chúng tôi đã cảm nhận được không khí bản làng và sự hối hả, gấp rút chuẩn bị những công việc cuối cùng của người dân để chào đón Ngày bầu cử.

Tuy thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng còn khó khăn, nhưng nhờ công tác chuẩn bị chu đáo, quá trình triển khai khẩn trương, đúng quy định, mọi việc cho Ngày bầu cử tại các xã biên giới đã hoàn tất. Những con đường liên bản tại các xã vùng biên giới đã được dọn dẹp, phát quang sạch sẽ; cổng bản, đường liên bản được treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Ngày bầu cử.

Hướng về Ngày bầu cử, trên các nếp nhà truyền thống của người Mông, Khơ-mú, Lào, Hà Nhì… người dân đều treo cờ Tổ quốc từ nhiều ngày qua. Các địa bàn đã có kế hoạch, phương án bảo vệ an toàn tại các điểm tổ chức bỏ phiếu. Người dân đều gấp rút việc nhà để có nhiều thời gian đến các điểm niêm yết danh sách đại biểu ứng cử để đọc, nghiên cứu kỹ tiểu sử, trình độ, quá trình công tác, năng lực cống hiến của mỗi đại biểu ứng cử… Các cử tri vùng biên giới rất háo hức, chuẩn bị tâm thế để chờ ngày được đi bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.  

Ông Hờ Sua Vừ, bản Pá Chả, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cho biết, dù không phải là lần đầu tiên đi bỏ phiếu, nhưng tâm trạng rất vui, háo hức và chờ đón. Hiểu được quyền, lợi ích, trách nhiệm của cử tri nên những ngày qua, tôi đã tích cực vận động, tuyên truyền cho người thân trong gia đình, người dân trong bản đi bầu cử đầy đủ, đúng giờ.

Chị Sùng Thị Phánh, bản Pá Chả, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, chia sẻ: Qua nghe cán bộ Biên phòng, cán bộ xã tuyên truyền về ý nghĩa của Ngày bầu cử, chúng tôi đã hiểu rõ việc được cầm lá phiếu đi bầu cử sẽ chọn lựa cho xã hội, đất nước những đại biểu xứng đáng, mang đến lợi ích cho nhân dân. Người dân trong bản đã hiểu về ý nghĩa, vai trò của ngày bầu cử thì ai cũng vui. Ngày 23/5, chúng tôi sẽ không lên nương nữa để đến điểm bầu cử sớm và bỏ phiếu đầy đủ.      

Ông Hoàng Văn Vĩnh, Trưởng bản Na Phay 2, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cho biết: Nhiều ngày qua, người dân trong bản đã đọc, nghiên cứu kỹ bản danh sách ứng cử được niêm yết tại điểm bầu cử. Qua tuyên truyền nhiều lần thì người dân cũng rất hiểu và chuẩn bị sẵn sàng đến ngày bầu cử sẽ tập trung đông đủ.

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã đến gần, tại tỉnh Điện Biên, các đơn vị trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nói chung, khu vực biên giới nói riêng

Đồng thời, các đơn vị tiếp tục tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, vận động nhân dân trên địa bàn tham gia bầu cử đạt tỷ lệ cao nhất, để ngày bỏ phiếu bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, đặc biệt phải đảm bảo thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng phối hợp với chính quyền, đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền vận động, để Ngày bầu cử diễn ra thành công.

Những ngày qua, mô hình “Tiếng loa biên phòng” của các đồn biên phòng ở thị xã Vĩnh Châu, Cù Lao Dung, Trần Đề liên tục phát đi các thông điệp về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và tuyên truyền, vận động cử tri nhiệt liệt ủng hộ Ngày hội cử tri đến các đường làng ngõ xóm, các khu dân cư, phum sóc của đồng bào Khmer ở địa bàn vùng xa khu vực biên giới ven biển của tỉnh Sóc Trăng. 

Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương, Mặt trận và đoàn thể đã và đang thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ: Tuyên truyền bầu cử, vận động thực hiện Kế hoạch phát động phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới."

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Đừng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Trung Bình, Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gần thời gian bầu cử, Đảng ủy, Chỉ huy đơn vị Đồn Biên phòng Trung Bình đã tăng cường chốt chặn các khu vực bầu cử và chợ, khu đông dân cư để tiến hành đo thân nhiệt, cấp phát khẩu trang miễn phí, sát khuẩn, cấp phát tờ rơi tuyên truyền. 

Ngư dân La Văn Tiền, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết được Bộ đội Biên Phòng thường xuyên tuyên truyền về dịch, về bầu cử nên anh đi bầu cử xong mới ra khơi, bởi đi bầu cử là quyền và nghĩa vụ. Đồng thời, anh vận động người nhà cùng thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch và đi bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật.

Ngư dân Nguyễn Văn Lộc, ở xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, cũng vui vẻ cho biết: “Đến Ngày Bầu cử, tôi sẽ ở nhà để đi bầu sớm, xong mới đi làm vì đánh bắt ở gần bờ…”

Sự phối hợp của Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng với Mặt trận, các đoàn thể trên địa bàn đóng quân đã góp phần giúp người dân khu vực biên giới và ngư dân thấy được quyền công dân của mình được thể hiện qua lá phiếu trong Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Với sự quyết tâm, sáng tạo trong trong hoạt động tuyên truyền, Hải Đội 2 và các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn khu vực biên giới biển ở Sóc Trăng đã, đang góp phần cùng địa phương làm tốt nhiệm vụ chuẩn bị bầu cử để Ngày hội lớn của đất nước an toàn, thắng lợi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục