Hà Nam khó khăn trong việc xóa lò gạch thủ công

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam, nhiều nơi chính quyền địa phương và chủ lò gạch vẫn phớt lờ các quy định xóa lò gạch thủ công.
Thực hiện Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xóa bỏ lò gạch thủ công vào năm 2010, các cấp chính quyền tỉnh Hà Nam đã có nhiều văn bản quy định cụ thể về vấn đề này như cấm đốt gạch trong thời gian sản xuất nông nghiệp; cấm đốt gạch, khai thác đất ở những khu vực gần dân cư, hành lang bảo vệ đê điều…

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam có một thực tế là nhiều nơi chính quyền địa phương và chủ lò gạch vẫn phớt lờ các quy định đã có hiệu lực thi hành.

Sự phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa nhanh ở Hà Nam đã kéo theo sự phát triển đột biến về sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là nhu cầu về gạch ngói các loại.

Ô nhiễm môi trường do sản xuất gạch, ngói thủ công đang là vấn đề bức xúc đối với người dân nhiều địa phương ở tỉnh Hà Nam, đặc biệt như tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, từ đầu năm đến nay, số tiền bồi thường thiệt hại hoa màu do đốt gạch gây ra đã lên tới gần 400 triệu đồng.

Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Hà Nam, đến tháng 8/2009, trên địa bàn toàn tỉnh Hà Nam còn 188 lò gạch thủ công, trung bình mỗi lò có công suất 5-10 vạn viên/mẻ. Lò gạch thủ công ở Hà Nam tập trung chủ yếu ở các khu vực bãi bồi ven sông Hồng của hai huyện Duy Tiên và Lý Nhân.

Qua kiểm tra Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thì hiện nhiều doanh nghiệp đều có thời hạn khai thác đến hết năm 2010, có doanh nghiệp còn thời hạn khai thác đến giữa năm 2011. Các đơn vị còn lại đều đã hết hạn khai thác hoặc nhận thầu khai thác đất sản xuất gạch với các địa phương.

Đặc biệt, tại xã Mộc Bắc (Duy Tiên), Ủy ban Nhân dân xã đã ký hợp đồng khai thác đất sản xuất gạch với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàn Dương và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hùng với thời hạn 5 năm (từ tháng 9/2008 đến tháng 6/2013) với tổng số tiền nộp vào ngân sách xã lên tới gần 8 tỷ đồng.

Đến nay, hai doanh nghiệp này đã nộp cho địa phương khoảng 4,2 tỷ đồng. Tuy nhiên có một điều lạ là 2 doanh nghiệp này đã khai thác và sản xuất gạch từ hơn 1 năm nay nhưng đều chưa được cấp phép?.

Khi được hỏi về vấn đề này, Ông Đoàn Xuân Sinh, Chủ tịch xã Mộc Bắc, cho biết hiện nay hai công ty Hoàn Dương và Việt Hùng đang làm thủ tục xin cấp phép hoạt động.

Tuy nhiên, nếu đến năm 2010 thực hiện việc xóa bỏ lò gạch thủ công thì hợp đồng của 2 công ty với xã sẽ bị dở dang, trong khi đó xã đã thu tiền trước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rồi .

Theo khảo sát thì hiện nay các chủ lò gạch thủ công ở Hà Nam đều có tâm lý là vừa làm vừa thăm dò việc xử lý của các cơ quan chức năng và hy vọng có thể gia hạn để tiếp tục sản xuất bởi vì nếu chuyển đổi sang sản xuất gạch theo phương thức tiên tiến như nung đốt bằng lò tuynel thì các công ty, cơ sở trên cũng cần ít nhất từ một đến hai năm để đầu tư nhà xưởng, công nghệ, tìm nguồn vốn, đào tạo lao động.

Từ thực tế cho thấy, việc xoá bỏ các lò gạch thủ công là chủ trương đúng cần thực hiện nhưng các cấp, các ngành và chính quyền địa phương ở Hà Nam cần nghiên cứu, có kế hoạch ổn định kinh tế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân các vùng quê thuần nông vốn chủ yếu sống nhờ lò gạch.

Hà Nam cũng đang chỉ đạo các huyện Duy Tiên, Lý Nhân sớm hoàn thành việc lập, điều chỉnh quy hoạch đất vật liệu xây dựng vùng đất bồi ven sông Hồng nhằm khai thác hợp lý và có hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân.

Ngoài ra, Hà Nam cũng chỉ đạo cấp ủy, chính quyền ở các địa phương cần tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, kiểm tra để hướng tới xóa bỏ các lò gạch ngói thủ công trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục