Vắt qua hai thế kỷ, với bao biến thiên thời cuộc, nhạc Trịnh đã có đời sống riêng, định hình vững chãi trong văn hóa thưởng thức. Ở thế hệ của Hà Lê, có lẽ cách tốt nhất để giữ lửa cho nhạc Trịnh là cover lại qua những sản phẩm như “Diễm xưa.”
Cách đây hơn một năm, trong chương trình “Sao đại chiến”- Hà Lê đã làm mới một nhạc phẩm khác của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn là “Hạ trắng.” Những tưởng đây chỉ là một sản phẩm nhất thời phục vụ cho một cuộc thi, nhưng với MV “Diễm xưa” được ra mắt mới đây, Hà Lê đã khẳng định cảm hứng tìm về nhạc Trịnh.
“Diễm xưa” được Trịnh Công Sơn viết năm 1960, khi ông nhìn thấy vẻ đẹp của xứ Huế và người con gái Huế thuở đấy trong những cái “thực” và “mơ” của sông nước, sương khói vùng cố đô. Không khí siêu thực của bài hát càng được hiển lộ một cách ma mị qua giọng hát liêu trai của danh ca Khánh Ly.
Cho đến giờ, giọng hát của Khánh Ly trong “Diễm xưa” được xem là một quy chuẩn cho những ai muốn tiếp cận và biểu đạt lại nhạc Trịnh theo cách của riêng mình. Nhưng ít người để ý đến phần nhạc trong bản phối của hơn 50 năm trước, vốn đã nhuốm màu cũ kỹ và dường như không còn hợp tai với những người trẻ hiện nay.
Tiếng guitar - vốn là một phần “bản chất” nhạc Trịnh không được làm “nhân vật chính” thay vào đó là chất nhạc vàng đã quá phổ biến và không được xử lý một cách sạch sẽ. Nếu một người chỉ nghe phần nhạc của “Diễm xưa” liệu họ có hình dung ra được khung cảnh xứ Huế như chính cố nhạc sỹ đã vẽ?
Và đó là điều mà Hà Lê cùng producer Nemo# đã thử nghiệm trong bản phối trong bản cover "Diễm xưa" bằng cách phác thảo một bức tranh cho nhạc Trịnh bằng âm nhạc, rồi để phần lời “đưa đẩy” trí tưởng tượng của người nghe.
Hiệu ứng echo trong giọng hát, tiếng kèn đầy vẻ man dại cùng nhịp trống mang hơi hưởng nhiệt đới, tất cả cộng hưởng lại tạo nên bức họa phiêu diêu, ảo diệu của đồi núi ngàn cây - nơi đã từng cho PB Nation nhiều cảm hứng để họ làm nên những ca khúc như “Chợ tình”, “Họa”...
Nghe “Diễm xưa” của Hà Lê, người nghe có thể sẽ không thấy “mưa bay,” “bia đá” như trong lời nhạc mô tả, nhưng sẽ được đưa đến một chiều không gian khác, xa khỏi những ồn ào phố thị để đến điệp trùng thiên nhiên của rừng cây xanh lá, chim trời, mây bay, gió vít.
Giọng hát của Hà Lê cùng chất R&B trong bản phối tạo nên một “Diễm xưa” của thời nay. Trên con đường R&B ấy, người nghe vẫn cảm nhận vẻ đẹp một nỗi buồn miên man, đồng thời đưa họ vào cõi nửa mơ, nửa thực của nhạc Trịnh. Nhờ vậy, xét về giọng hát, dù Hà Lê không chuyên chở xuất thần không khí liêu trai bằng Khánh Ly, nhưng “Diễm xưa” của thời nay vẫn cho thấy hiệu quả về thị giác qua phần âm nhạc và hình ảnh MV hơn hẳn “Diễm xưa” của những năm 1960.
Tối giản như chính bài hát, MV “Diễm xưa” cũng phiêu diêu, đầy tinh thần đương đại. Ngoài Hà Lê, là hai nhân vật một nam một nữ nhảy múa uyển chuyển giữa núi rừng.
Địa điểm được chọn để quay MV khá phù hợp, khi kết hợp cả yếu tố sông nước trong “Diễm xưa” cũ của Trịnh Công Sơn cũng như yếu tố đồi núi trong phong cách âm nhạc quen thuộc của Hà Lê. Điều tương tự cũng xuất hiện trong cách Hà Lê xuất hiện ở MV này: vẫn với trang phục đậm chất đường phố, nhưng anh trầm lắng và đằm thắm hơn so với hình ảnh trước đó ở những MV “Real U”, “Ai bằng anh”...
“Diễm xưa” là một phần của dự án “Trịnh Contemporary” với hy vọng một lần nữa 'thử nghiệm" làm mới nhạc Trịnh theo cách riêng của Hà Lê.
Đây không phải là lần đầu tiên một đại diện của thế hệ làm nghệ thuật hiện nay quyết định tìm về những giá trị xưa cũ theo cách riêng của họ, nhưng có lẽ MV"Diễm xưa" một lần nữa làm người ta hiểu rằng, người trẻ vẫn còn đồng cảm, muốn chia sẻ với di sản âm nhạc của quá khứ với nỗ lực đào sâu, tìm tòi một cách thể hiện của ngày hôm nay.
Với "Diễm xưa"nỗ lực "cover" của Hà Lê còn là nhu cầu muốn nghe một âm hưởng mới mẻ, nhưng vẫn trong lành từ những lời nhạc, giai điệu bất hủ mà bậc tiền bối để lại.
Cách tiếp cận của Hà Lê và tư duy sáng tạo của lớp nghệ sỹ hôm nay sẽ mở ra những điều đó./.